Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Bồ đề thụ


    Phạn: Bodhi-druma, Bodhi-taru, Bbodhi-vrksa, Bodhi.
    Pali: Bodhi-rukkha.
    Cũng gọi: Giác thụ, Ðạo thụ, Ðạo tràng thụ, Tu duy thụ, Phật thụ.
    Tên khoa học: Ficus religiosa.
    Cây bồ-đề ở phía Nam thành Già-da, nước Ma-kiệt-đà, Trung Ấn Độ. Đức Thích tôn đã chứng đắc quả vị Phật ở dưới cội cây này.
    Cây bồ-đề thuộc họ cây dâu, vốn sinh trưởng ở Đông Ấn Độ, là loại cây thường xanh, cao từ 3 mét trở lên; lá hình trái tim, đuôi nhọn dài, hoa ẩn trong túi hoa hình cầu, khi túi hoa chín thì có màu cam sậm, trong có quả nhỏ. Trung Quốc gọi là Bát-đa (Phạn: Asvattha), Bối-đa, A-thuyết-tha, A-phái-đa (dịch ý là Cát tường, Nguyên cát). Quả của nó gọi là Tát-bát-la (Phạn: Pippala), nên cây còn được gọi là Tát-bát-la thụ.
    Cây bồ-đề nơi Phật thành đạo, trải qua các thời đại, tuy đã nhiều lần bị vua A-dục, Vương phi Ðê-xá-la-hi-đa, vua Thiết-thưởng-ca.v.v… đốn chặt nhưng vẫn đâm chồi rậm rạp tươi tốt.
    Theo Ðại Sử (Mahàvamsa, XIX) bằng tiếng Pali thì con gái của vua A-dục là Tăng-già-mật-đa có lần đem nhánh cây bồ-đề này đến Tích Lan, trồng trong rừng Mahàmegha ở phía Nam thủ đô thành Anuràdhapura. Về sau, vào thế kỷ XII, khi giáo đồ Hồi giáo xâm nhập Ấn Độ, cây bồ-đề đạo tràng đã bị phá hoại một cách thảm hại, cho nên nhánh cây lại được đem từ Tích Lan trở về trồng lại ở Bồ-đề đạo tràng.
    Theo Nguyên Hanh Thích Thư 2, vào thời Lưu Tống, Nam triều, có vị tăng ở Trung Ấn Độ là Cầu-na-bạt-đà-la đem cây bồ-đề đến trồng ở Quảng Châu, Trung Quốc. Không bao lâu, ngài Ðạo Thúy lại chiết nhánh cây này đến trồng ở núi Thiên Thai. Vào đời Tống năm 1190, vị tăng người Nhật Bản là Vinh Tây lại đem nhánh cây ấy về trồng ở Nhật Bản.
    Trong kinh có nói rõ tên của 7 cây bồ-đề của  7 Đức Phật thời quá khứ, như cây Ba-ba-la (Phạn: Pàtalì) của Đức Phật Tì-bà-thi, cây Phân-đà-lợi (Phạn: Pundarìka) của Đức Phật Thi Khí, cây Sa-la (Phạn: Sàla) của Đức Phật Tì-xá-bà, cây Thi-lị-sa (Phạn: Sirìsa) của Đức Phật Câu-lâu-tôn, cây Ô-tạm-bà-la (Phạn: Udumbara) của Đức Phật Câu-na-hàm, cây Ni-câu-luật (Phạn: Nigrodha) của Đức Phật Ca-diếp, cây Bát-đa (Phạn: Asvattha) của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, và đời vị lai khi bồ-tát Di-lặc hạ sinh thành Phật, thì tên cây bồ-đề của ngài sẽ là Na-già (Phạn: Nàgapurpa, cây Long hoa).
    Theo kinh A-súc Phật Quốc, thượng, kinh Vô Lượng Thọ, nói về tịnh độ của Đức Phật A-súc, Đức Phật A-di-đà, cũng nói mỗi vị đều có riêng cây đạo tràng.
    Ngoài ra còn có một loại cây bồ-đề cao lớn, tên khoa học là Tilia migueliana, thuộc họ cây bồ-đề, cao từ 12 đến 15 mét, lá không giống cây tát-bát-la, đuôi không nhọn, rìa lá có hình sóng, quả màu đen, có thể dùng làm chuỗi.
    Tương truyền vào đời Lương, Nam triều, có vị tăng Trí Dược đem cây bồ-đề từ Thiên Trúc đến trồng ở Việt Đông, hạt của cây bồ-đề này bên ngoài có một vòng tròn lớn, đường vân như mây, những chấm nhỏ như sao, gọi là bồ-đề tinh nguyệt, cũng có thể dùng làm chuỗi. Ngày nay, tự viện nào cũng có trồng cây bồ-đề, là họ hàng với cây tát-bát-la nơi Ðức Thế Tôn thành đạo.

Bồ đề tâm


    Phạn: Bodhi-citta.
    Gọi đủ: A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.
    Cũng gọi: Vô thượng chính chân đạo ý, Vô thượng bồ-đề tâm, Vô thượng đạo tâm, Vô thượng đạo ý, Vô thượng tâm, Ðạo tâm, Ðạo ý, Ðạo niệm, Giác ý.
    Tâm cầu thành Phật. Tâm là hạt giống sinh ra tất cả chư Phật, là ruộng tốt nuôi lớn tịnh pháp, sau khi phát khởi tâm này, siêng năng tinh tấn tu hành sẽ chóng được thành Phật. Thế nên biết bồ-tát Đại thừa trước tiên cần phải phát khởi tâm rộng lớn, gọi là phát bồ-đề tâm, phát tâm, phát ý. Mới bắt đầu phát tâm, gọi là sơ phát tâm. Người cầu vãng sinh Tịnh độ, cũng cần phát Bồ-đề tâm.
    Theo kinh Vô Lượng Thọ, hạ: "Ba hạng người vãng sinh đều nên phát tâm Vô thượng bồ-đề.
    Về thể tính của Bồ-đề tâm, phẩm Trụ Tâm kinh Ðại Nhật 1 ghi: "Biết tự tâm như thật, tức là Bồ-đề". Tức tự tính thanh tịnh tâm sẵn có là Bồ-đề tâm.
    Về các thứ duyên trợ giúp cho hành giả phát Bồ-đề tâm, theo kinh Bồ-tát Địa Trì 1, bốn thứ duyên để phát Bồ-đề tâm là:
    1. Thấy nghe thần thông biến hóa bất khả tư nghị của Phật, Bồ tát mà phát tâm.
    2. Tuy chưa thấy thần biến, nhưng được nghe nói về Bồ-đề và Bồ-tát tạng mà phát tâm.
    3. Tuy chẳng nghe chính pháp, nhưng tự thấy tướng pháp diệt, vì muốn hộ trì chính pháp mà phát tâm.
    4. Chẳng thấy tướng pháp diệt, nhưng thấy chúng sinh bị phiền não trói buộc khó phát tâm được nên mình phát tâm.

    Theo phẩm Phát Tâm trong Phát Bồ-đề Tâm Kinh Luận thượng, có 4 duyên:
    1. Tư duy về chư Phật.
    2. Quán lỗi lầm của thân.
    3. Thương xót chúng sinh.
    4. Cầu quả tối thắng.

    Theo Vô Lượng Thọ Kinh Tông Yếu, lấy Tứ hoằng thệ nguyện làm Bồ-đề tâm, rồi phân ra làm 2 loại là Tùy sự phát tâm (do sự việc cụ thể mà phát) và Thuận lí phát tâm (do chân lí phổ thông mà phát).
    Theo Ðại Thừa Nghĩa Chương 9, có 3 loại duyên:
    1. Tướng phát tâm: Thấy tướng sinh tử và Niết-bàn, nên chán sinh tử và phát tâm cầu Niết-bàn.
    2. Tức tướng phát tâm: Biết bản tính của sinh tử tịch diệt cùng Niết-bàn không khác; lìa tướng sai biệt mà khởi tâm bình đẳng.
    3. Chân phát tâm: Biết bản tính của Bồ-đề là tự tâm, bồ-đề tức tâm, tâm tức bồ-đề mà quay về bản tâm của chính mình.
    Theo Ma-ha Chỉ Quán 1, thượng, Bồ-tát Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo cho đến Viên giáo, mỗi vị đều nhân suy lường lí của: Sinh diệt tứ đế, Vô sinh tứ đế, Vô lượng tứ đế, Vô tác tứ đế mà phát tâm; như thế gọi là Suy lí phát tâm.
    Luận Ðại Thừa Khởi Tín, có 3 loại phát tâm: Tín thành tựu phát tâm, Giải hạnh phát tâm, Chứng phát tâm. Tín thành tựu phát tâm lại chia làm 3 loại: Trực tâm, Thâm tâm, Ðại bi tâm. Mật tông chủ trương phát tâm là 1 trong 5 lần biến chuyển của chữ A và đặt nền tảng  trên 3 loại tâm bồ-đề: Hạnh nguyện, Thắng nghĩa, Tam-ma-địa của Bồ-đề Tâm Luận mà lập ra 4 loại phát tâm:
    1. Tín tâm: Tâm không chút nghi ngờ đối với việc cầu thành Phật đạo, vì đây là nền tảng của muôn hạnh, nên gọi là Bạch tịnh tín tâm (lòng tin trắng sạch).
    2. Ðại bi tâm: Sau khi phát Bạch tịnh tín tâm rồi thì phát Từ hoằng thệ nguyện. Đại bi tâm này còn gọi là Hạnh nguyện tâm, Hạnh nguyện bồ-đề tâm.
    3. Thắng nghĩa tâm: Chọn lựa sự chân thật thù thắng trong các giáo pháp. Thắng nghĩa tâm này còn gọi là Thắng Bát-nhã tâm, Thắng nghĩa bồ-đề tâm.
    4. Ðại Bồ-đề tâm: Ngay lúc quyết định bỏ cái liệt (kém, dở) chọn cái thắng (hay, tốt), mười phương chư Phật liền hiện trước mắt chứng minh, chúng ma thấy việc này đều khiếp sợ mà thoái lui. Ðại Bồ-đề tâm này còn gọi Tam-ma-địa Bồ-đề tâm.
    Tuy chia ra 4 tâm như trên, nhưng chúng vốn cùng một thể, cho đến ngày thành Phật cũng không giây phút nào xa nhau. Ðây là cái sở đắc do tự hành hóa tha, thế gian xuất thế gian đều tu tam mật của chư tôn, cho nên gọi là Hữu tướng Bồ-đề tâm.
    Nhưng xưa nay vì hữu tướng tức là vô tướng như hư không lìa tất cả tướng, nên khế hợp với Vô tướng Bồ-đề tâm.
    Sư Nguyên Không thuộc tông Tịnh Độ ở Nhật Bản có trước tác Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập cho rằng Bồ-đề tâm là tạp hạnh và bác bỏ. Căn cứ vào lí này, phái Trấn Tây của tông Tịnh Độ chia Bồ-đề tâm thành Bồ-đề tâm Thánh đạo môn và Bồ-đề tâm Tịnh độ môn và cho rằng Bồ-đề tâm là Tổng an tâm, còn Tam tâm (Chí thành tâm, Thâm tâm, Hồi hướng phát nguyện tâm) là Biệt an tâm, cho nên chủ trương cần phải phát Bồ-đề tâm.
    Phái Tây Sơn của tông Tịnh độ phân chia: Bồ-đề tâm của Hạnh môn và Bồ-đề tâm của Quán môn và cho rằng Bồ-đề tâm của Quán môn là 3 tâm đã đầy đủ, không cần Bồ-đề tâm của Hạnh môn.
    Tịnh độ Chân tông thì phân ra Tự lực Bồ-đề tâm và Tha lực Bồ-đề tâm. Trong đó, Phật dùng bản thệ nguyện cho chúng sinh tin ưa tức là tín tâm chân thật vì tâm nguyện làm Phật (tâm tự lợi nguyện thành Phật), tâm độ chúng sinh (tâm lợi tha tế độ tất cả chúng sinh), cho nên gọi là Tha lực bồ-đề tâm, Tịnh độ đại bồ-đề tâm.

Bồ Đề Đạt Ma



    Phạn: Bodhidharma.
    Dịch ý:  Ðạo Pháp.
    Cũng gọi: Bồ-đề-đạt-ma-đa-la, Ðạt-ma-đa-la, Bồ-đề-đa-la.
    Phổ thông: Ðạt-ma.
    Tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ và là Sơ tổ Thiền tông Trung Quốc. Ngài là người con trai thứ ba của Quốc vương nước Hương Chí (có chỗ nói là nước Bà-la-môn, nước Ba Tư) thuộc Nam Thiên Trúc, học đạo với tổ Bát-nhã-đa-la.
    Ngài và Phật Đại Tiên là 2 người học trò giỏi của tổ Bát-nhã Đa-la. Sau 40 tuổi, Ngài được truyền y bát. Đời Lương Vũ Đế, năm 520 (có thuyết nói năm 478), Ngài vượt biển đến huyện Phiên Ngung, tỉnh Quảng Đông. Vua Vũ Đế sai sứ rước Ngài đến kinh đô Kiến Nghiệp. Qua cuộc đối thoại với vua, thấy không khế hợp, Ngài liền qua sông đến đất Ngụy, dừng ở chùa Thiếu Lâm núi Tung Sơn, ngồi thiền xoay mặt vào vách. Người thời ấy do không hiểu ý, nên gọi Ngài là Bích Quán Bà-la-môn.
    Bây giờ, Sư Thần Quang ở Y Thủy, Lạc Thủy học nhiều sách vở, Sư vì cầu pháp với Ngài nên chặt tay, Ngài cảm kích trước tấm lòng chân thành của Sư liền truyền chân pháp An tâm phát hạnh, trao cho Sư tâm ấn Thiền tông, đổi tên Sư là Huệ Khả. Được 9 năm, Ngài định trở về Ấn Độ nên phó chúc chỗ thâm diệu của Thiền tông trao y bát và kinh Lăng Già (4 quyển) cho Sư Huệ Khả. Không bao lâu, Ngài thị tịch, được an táng tại chùa Thiếu Lâm núi Hùng Nhĩ. Hơn 3 năm sau, khi sứ nước Ngụy là Tống Vân đi qua núi Thông Lãnh chợt gặp Ngài quảy một chiếc giầy đi về Ấn Độ.
    Vua Lương Vũ Đế tôn xưng Ngài là Thánh Trụ Đại Sư; vua Đường Ðại Tông ban thụy hiệu là Viên Giác Đại Sư, tên tháp là Không Quán. Về đệ tử của Ngài, ngoài sư Huệ Khả còn có những vị khá nổi tiếng như Ðạo Dục, Tăng Phó (có chỗ nói Ðạo Phó), Ðàm Lâm v.v...
    Về pháp Thiền của Ngài, theo sự khảo cứu các tư liệu đào được ở Ðôn Hoàng, các học giả cho rằng: Trong các tác phẩm để lưu truyền học thuyết của Ðạt ma xưa nay hình như chỉ có luận Nhị Nhập Tứ Hạnh là bộ luận mang tư tưởng chân chính của tổ Bồ-đề Đạt-ma. Bộ luận này lấy pháp môn Bích quán làm chính yếu. Nhị nhập, chỉ cho 2 phương pháp tu hành là Lí nhập và Hành nhập. Lí nhập thuộc về tư duy giáo lí, Hành nhập thuộc về thực hành giáo pháp, là giáo nghĩa kết hợp giữa lí luận và thực hành về Thiền pháp. Lại, Ðạt-ma truyện trong Lăng-già Sử Tư Kí có một quyển nói lược về Tứ hạnh nhập đạo Đại thừa, do Sư Ðàm Lâm góp nhặt ngôn hạnh của Ngài Đạt-ma mà tập thành, ngoài ra còn có Thích Lăng Già Yếu Nghĩa (1 quyển), 2 quyển này còn gọi là luận Ðạt-ma, được lưu hành rộng rãi vào thời ấy.
    Các tác phẩm nói về phương pháp tu hành của ngài Đạt-ma gồn có: Thiếu Thất Lục Môn Tập, Ðạt-ma Hòa Thuợng Tuyệt Quán Luận, Thích Bồ-đề Đạt-ma Vô Tâm Luận, Nam Thiên Trúc Bồ-đề Đạt-ma Thiền Sư Quán Môn, Thiếu Thất Dật Thư v.v...

Bồ đề



           I. Bồ đề.
    Phạn, Pàli: Bodhi.
    Dịch ý: Giác, Trí, Tri Đạo.
    Trí huệ đoạn tuyệt phiền não thế gian để thành tựu Niết-bàn, tức là trí giác ngộ mà Phật, Duyên giác, Thanh văn đã chứng được ở quả vị của mình.
    Trong ba loại Bồ-đề này, Bồ-đề của Phật là cứu cánh vô thượng, nên gọi là A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, dịch là Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, Vô Thượng Chính Biến Tri, Vô Thượng Chính Chân Đạo, Vô Thượng Bồ-đề.
    Theo luận Ðại Trí Độ 53, Bồ-đề có 5 loại:
    1. Phát tâm Bồ-đề: Loại Bồ-đề của Bồ-tát ở giai vị Thập tín phát tâm cầu Bồ-đề, tâm này là nhân đưa đến quả Bồ-đề.
    2. Phục tâm Bồ-đề: Loại Bồ-đề của Bồ tát ở giai vị Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng do thực hành các Ba-la-mật, chế phục phiền não, hàng phục tâm mình.
    3. Minh tâm Bồ-đề: Loại Bồ-đề của Bồ tát ở giai vị Ðăng địa đã liễu ngộ Thật tướng các pháp rốt ráo thanh tịnh, là tưởng Bát-nhã Ba-la-mật.
    4. Xuất đáo Bồ-đề: Loại Bồ-đề của Bồ tát ở giai vị Bất động địa, Thiện huệ địa, Pháp vân địa; vị này ở trong Bát-nhã Ba-la-mật, diệt trừ phiền não trói buộc mà ra khỏi ba cõi, đến Nhất thiết trí.
    5. Vô thượng Bồ-đề: Bồ-đề của đấng Ðẳng giác, Diệu giác đã chứng thành A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, tức là giác trí của quả vị Phật.

    Theo Pháp Hoa Kinh Luận, hạ, ở nơi 3 thân Pháp, Báo, Hóa của Phật, lập 3 loại bồ-đề: Pháp Phật Bồ-đề (Pháp thân Bồ-đề), Báo Phật Bồ-đề (Báo thân Bồ-đề),và Ứng Phật Bồ-đề (Ứng thân Bồ-đề).
    Ðại Thừa Nghĩa Chương 18 phân chia Vô thượng Bồ-đề làm 2 loại: Phương tiện bồ-đề và Thanh tịnh bồ-đề.
    Tông Thiên Thai còn lập ra 3 nghĩa Bồ-đề:
    1. Thật tướng Bồ-đề (cũng gọi: Vô thượng bồ-đề): Ngộ được chân tính bồ-đề thuộc lí thật tướng, ứng với đức Pháp thân.
    2. Thật trí Bồ-đề (cũng gọi: Thanh tịnh bồ-đề): Ngộ được trí huệ thuộc lí khế hợp, ứng với đức Bát-nhã.
    3. Phương tiện Bồ-đề (cũng gọi: Cứu cánh bồ-đề): Ngộ được tác dụng tự tại giáo hóa chúng sinh, ứng với đức giải thoát.

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Bố thí



          Phạn, Pali: Dana.
          Dịch âm: Đàn-na, Đàn.
          Dịch ý: Đạt sấn, Đại sấn.
          Cũng gọi: Thí (Phạn: Daksina).
          Ban phát khắp cho mọi người, xuất phát từ lòng từ bi.
          Pháp bố thí là do Đức Phật dạy bảo hàng Ưu-bà-tắc. Nguyên nghĩa bố thí là đem y phục, thức ăn và các vật dụng khác dâng cúng các bậc Đại đức hoặc cho người bần cùng.
          Đến thời giáo pháp Đại thừa thì nghĩa bố thí được phát triển rộng thêm như Bố-thí Ba-la-mật. Về hình thức, ngoài việc bố thí tài vật, thức ăn thông thường còn thêm 2 thứ bố thí là Pháp thí (bố thí pháp) và Vô uý thí (khiến cho người khác không sợ hãi). Đây là một phương pháp tu hành tạo phước thành trí để được giải thoát. Đại Thừa Nghĩa Chương 12 giải thích nghĩa bố thí như sau: Bố là lấy của cải của mình phân phát cho người khác; thí là đem lòng của mình lo lắng cho mọi người.
          Mục đích bố thí của Tiểu thừa là phá trừ tâm tham lam keo kiết của cá nhân để thoát khỏi sự nghèo khổ của kiếp sau. Đại thừa thì liên kết bố thí với giáo nghĩa đại từ đại bi để đưa chúng sinh đến giác ngộ.
          Người bố thí tài vật gọi là Đàn việt (Phạn: Danapati, chỉ cho người chủ sự bố thí, Hán dịch: Thí chủ, đàn na chủ, gọi tắt Đàn-na). Tài vật bố thí gọi là Sấn tư, Sấn tài, Sấn tiền, Đường sấn (ý chỉ tài vật bố thí cho chư tăng ở chùa), biểu sấn có nghĩa là phân chia tài vật. Tín thí có nghĩa là tín đồ bố thí tài vật.
           Ở Nhật Bản, Đàn-na tự là tự viện dùng để phân phối vật bố thí. Người nào ở trong đạo tràng bố thí thì được gọi là: Đàn gia, Đàn trung, Đàn đồ, Đàn phương.
          Bố thí là 1 trong 6 niệm (Niệm thí), 1 trong 4 Nhiếp pháp (Bố thí nhiếp), 1 trong 6 Ba-la-mật và 10 Ba-la-mật (Bố thí Ba-la-mật, Đàn Ba-la-mật).
          Bố thí có năng lực làm cho con người xa lìa tâm tham, như bố thí cho Phật, chư tăng và người bần cùng các thứ tài vật chẳng hạn như cơm, áo....thì chắc chắn chiêu cảm quả báo hạnh phúc. Còn như giảng nói chính pháp cho người nghe khiến họ được lợi ích thì gọi là Pháp thí; khiến cho họ lìa các sự sợ hãi thì gọi là Vô úy thí.
          Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí là những việc Bồ-tát phải thực hành. Trong đó, công đức Pháp thí thì lớn hơn hết.
          Ngoài ra, nói về sự khác nhau giữa bố thí và bố thí ba-la-mật, theo kinh Ưu-bà-tắc, bố thí của hàng Thanh văn, Duyên giác, phàm phu, ngoại đạo và bố thí của hàng Bồ-tát thực hành trong hai a-tăng-kỳ-kiếp đều gọi là thí; còn bố thí của hàng Bồ-tát thực hành trong a-tăng-kỳ-kiếp thứ 3 gọi là Thí ba-la-mật.
          Theo phẩm Tựa trong kinh Bồ-tát Thiện Giới 1, bồ-tát tại gia thì thực hành tài thí và pháp thí; Bồ-tát xuất gia thì thực hành 4 pháp thí: Bút thí, Mặc thí, Kinh thí, Thuyết pháp thí; còn Bồ-tát đắc vô sinh nhẫn thì thực hành 3 pháp thí: Cụ túc thí, Đại thí, Vô thượng thí.
          Luận Câu Xá 18 nêu ra 8 thứ bố thí: Tùy chí thí, Bố úy thí, Báo ân thí, Cầu báo thí, Tập tiên thí, Hi thiên thí, Yếu danh thí, Vị trang nghiêm tâm thí. Cũng luận này nêu ra 7 thứ bố thí: Thí khách nhân, Thí hành nhân, Thí bệnh nhân, Thí thị bệnh giả (thí cho người nuôi bệnh), Thí viên lâm, Thí thường thực, Thí tùy thời. Theo phẩm Thập Vô Tận Tạng trong kinh Hoa Nghiêm 12 (bản cựu dịch) thì có 10 pháp bố thí: Tu tập thí, Tối hậu nan thí, Nội thí, Ngoại thí, Nội ngoại thí, Nhất thiết thí, Quá khứ thí, Vị lai thí, Hiện tại thí, Cứu cánh thí.

Bích quán



      I. Bích quán.
      Pháp thiền Tĩnh Quán quay mặt vào vách (Diện Bích Tĩnh Quán).
      Tại Trung quốc vào thời Lương, tổ Bồ-đề-đạt-ma ở chùa Thiếu Lâm núi Tung Sơn, ngồi quay mặt vào vách 9 năm. Người đời không lường được ý Ngài nên gọi Ngài là Bích Quán Bà-la-môn.
     Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 3, tổ Bồ-đề-đạt-ma ban đầu đến kinh đô Kiến Nghiệp, cùng đàm đạo với Lương Vũ Đế, Tổ thấy căn cơ của vua không hợp, liền đến ngụ ở chùa Thiếu Lâm núi Tung Sơn, ngồi im lặng quay mặt vào vách trọn ngày.

      II. Bích quán.
      Nhất tâm thiền quán, thân tâm vắng lặng, kiên cố như tường vách, tức là chỉ cho pháp thiền do Sơ Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền.
     Tổ Đạt-ma chủ trương mọi người đều có đầy đủ Phật tính, nhưng vì nhận thức sai lầm nên lấy giả làm chân, người nào muốn đạt đến chân lí Phật giáo, thì phải tu thiền.
      Thiếu Thất Lục Môn (Ðại 48, 399 hạ) phương pháp tu thiền: “Không mình không người, phàm thánh bình đẳng, an trụ bền chắc không đổi dời, lại không chạy theo văn tự của giáo điển; tu như thế mới phù hợp với Phật tính của chính mình".
      Theo Thiền Nguyên Chu Thuyên Tập Đô Tự 2, tổ Ðạt-ma dạy pháp an tâm cho  người bằng pháp môn Bích quán, có nghĩa là bên ngoài dứt các duyên, bên trong tâm không nghĩ tưởng; đến lúc tâm như tường vách mới có thể vào đạo.

Bỉ ngạn



          Phạn, Pali: Para.
          Bờ bên kia.
          Bờ bên này (cõi mê) gọi là Thử ngạn; bờ bên kia (cõi ngộ) gọi là Bỉ ngạn.
          Lấy nghiệp và phiền não làm giữa dòng, cảnh giới sinh tử là bờ bên này, Niết-bàn là bờ bên kia.

Bi nguyện


         
          Cũng gọi: Nguyện lực đại bi.
          Lời phát nguyện độ chúng sinh xuất phát từ lòng đại bi của chư Phật và Bồ-tát, như 24 nguyện, 36 nguyện, 48 nguyện của Phật A-di-đà; 12 nguyện, 44 nguyện của Phật Dược Sư; 20 nguyện của Phật A-súc; 18 nguyện của bồ-tát Văn-thù; 40 nguyện của Sư Tử Vương v.v...
         Theo luận Thành Duy Thức, Bi nguyện tương ứng với thiện tâm.
         Vãng Sinh Yếu Tập, thượng (Ðại 84, 44 trung) ghi: “Bồ-tát Ðịa Tạng mỗi sáng sớm nhập hằng sa định, biến khắp pháp giới, cứu khổ chúng sinh, bi nguyện của Ngài vượt hơn các đại sĩ khác”.
         Ngoài ra, bi nguyện của Phật, Bồ-tát được ví như thuyền bè đưa người qua biển sinh tử, nên gọi là Thuyền bi nguyện.

Bi


         Phạn, Pàli: Karunà.
         Dịch âm : Ca-lâu-na, Gia-lư-na.
        Tâm thương xót nỗi khổ của người và muốn cứu giúp cho họ thoát khổ. Đây là một trong Tứ vô lượng tâm.
       Theo kinh Ðại Niết-bàn 15 (bản Bắc), muốn cho chúng sinh được vô luợng lợi lạc, gọi là đại bi.
       Theo luận Ðại Trí Độ 20, thương xót chúng sinh trong năm đường thụ thân khổ, tâm khổ, gọi là bi.
       Theo Ðại Thừa Nghĩa Chương 11 từ hay ban vui, bi là cứu khổ.

Bất sinh bất diệt


          Ðối lại:  Sinh diệt.
          Các pháp thường trụ, không sinh, không diệt, như Niết-bàn.
          Theo Bát-nhã Tâm Kinh thể tính của các pháp vốn bất sinh bất diệt.
         Tư tưởng này manh nha vào thời xã hội Ấn Độ chưa có Phật giáo, sau thành một trong những giáo nghĩa căn bản của Phật giáo.

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Bất lập văn tự



         
          Dụng ngữ Thiền.
          Không nương vào văn tự. Chỉ cho việc lấy tâm truyền tâm.
          Thiền tông dùng những hành động, câu nói khó hiểu để dẫn dắt người học, giúp họ khai ngộ chứ không dùng văn tự ngôn ngữ bình thường trong kinh giáo để giảng dạy.
          Theo Ngữ Đăng Hội Nguyên 1, tắc 6 trong Vô Môn Quan, Đức Thế Tôn đem pháp môn vi diệu Chính pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng và vô tướng trực tiếp phó chúc cho ngài Ðại Ca-diếp, truyền riêng ngoài giáo chứ không lập văn tự.

Bát phong

         
        
         Tám ngọn gió, dụ tám pháp thế gian hay làm loạn động, mê hoặc tâm người, đó là:
    1.  Lợi: Lợi ích.
    2.  Suy: Hao tổn.
    3.  Hủy: Chê bai chỉ trích.
    4.  Dự: Gián tiếp khen ngợi người.
    5. Xưng: Trực tiếp ca tụng người.
    6. Cơ: Dùng sự việc giả để nói xấu người.
    7. Khổ: Gặp chướng duyên nghịch cảnh, thân tâm bị bức bách khiến cho khổ não.
    8. Lạc: Gặp được duyên tốt, cảnh thuận, thân tâm vui vẽ hân hoan.
              Ðại Thừa Vô Sinh Phương Tiện Môn (Ðại 85, 1274 hạ) ghi: “Nếu thân tâm vắng lặng an ổn thì 8 gió thổi không động".

Bát pháp


          I. Bát pháp.
           Tám pháp gồm 4 đại (đất, nước, lửa, gió) và bốn vị (sắc, hương, vị, xúc).
    1. Ðịa đại: Như đất có tính chất cứng chắc, ngăn ngại. Các thứ : Mắt, tai, mũi, luỡi, thân gọi là địa đại. Như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương đều thuộc về địa đại.
    2. Thủy đại: Như nước có tính chất thấm ướt. Các thứ như nước miếng, nước mũi, nước mắt, mủ máu, nước dãi, mồ hôi, đờm, tinh khí, nước tiểu đều thuộc về thủy đại.
    3. Hỏa đại: Như lửa có tính khô nóng. Hơi nóng trong thân gọi là hỏa đại.
    4. Phong đại: Như gió có tính chất chuyển động. Hơi thở ra vào và thân chuyển động gọi là phong đại.
    5. Sắc vi: Chỉ cho các thứ sắc mà mắt thấy được, vì nó vi tế nên gọi là sắc vi.
    6. Hương vi: Chỉ cho các mùi hương mà mũi ngửi được, vì nó vi tế nên gọi là hương vi.
    7. Vị vi: Chỉ cho các vị mà lưỡi nếm được, vì nó vi tế nên gọi là vị vi.
    8. Xúc vi: Chỉ cho các thứ xúc chạm mà thân thể cảm nhận được, vì nó vi tế nên gọi là xúc vi.

          II. Bát pháp.
    Tám pháp ở thế gian: Lợi, không có lợi, có tiếng tăm, không có tiếng tăm, bàn luận việc phải trái, không có bàn luận việc phải trái, khổ, vui.

          III. Bát pháp.
    Từ gọi tắt của Bát chính đạo, tức là: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định.

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh



          Phạn: Prajnàpàramità-hrdaya-sùtra.
          Nói đủ: Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh.
          Nói tắt: Bát-nhã Tâm Kinh, Tâm Kinh.
          Kinh 1 quyển, do Ngài Huyền Trang dịch, được xếp vào Ðại Chính Tạng tập 8.
          Tâm (Phạn: Hrdaya), chỉ quả tim, hàm ý nghĩa tinh yếu, cốt tủy. Kinh này đem nội dung kinh Đại Bát-nhã chắt lọc thành cuốn kinh ngắn gọn trong sáng. Toàn kinh nêu ra các pháp : năm uẩn, ba khoa, mười hai nhân duyên, bốn đế, để trình bày tổng quát lí các pháp đều không. Như câu: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” được rút ra từ kinh này.
          Những bản dịch khác về kinh này có đến 6 bản: Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật Đại Minh Chú (Cưu-ma-la-thập), kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa-đề Kinh (Bồ-đề Lưu-chi), Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh (Bát-nhã, Lợi Ngôn), Phổ Biến Trí Tạng Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh (Pháp Nguyệt), Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh (Trí Huệ Luân), kinh Thánh Phật Mẫu Bát-nhã Ba-la-mật-đa (Thí Hộ). So với 6 bản dịch trên, bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập là rõ ràng hơn hết. Nhưng chỉ có bản dịch của Ngài Huyền Trang là được lưu truyền rộng rãi và lâu dài nhất.
          Bản kinh nguyên tác chữ Phạn hiện nay được cất giữ tại chùa Pháp Long ở Nhật Bản, năm 1884, 2 ông Max Müller và Nam Điều Văn Hùng cùng hiệu đính rồi xuất bản kinh này. Năm 1894, Max Müller lại dịch kinh này ra tiếng Anh rồi cho xuất bản. Năm 1864, học giả Phật giáo nguời Anh là ông Samuel Beal cũng đem bản dịch  Bát-nhã Tâm Kinh của ngài Huyền Trang dịch ra tiếng Anh rồi cho xuất bản. Ngoài ra còn có một bản bằng Phạn văn dịch ra âm Hán tự, gọi là Ðuờng Phạn Phiên Đối Tự Âm Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh. Bản này được coi là tương đương với bản của ngài Huyền trang, là bản được Stein phát hiện ở động  Ðôn Hoàng, là tư liệu quan  trọng của giới học thuật Phật giáo.
         Bản chú sớ kinh này rất nhiều: Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh U Tán (Khuy Cơ), Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh Tán (Viên Trắc), Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh Lược Sớ (Pháp Tạng), Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh Sớ (Huệ Tịnh)....

Bát nhã Ba la mật


          Phạn: Prajnà Pàramità.
          Dịch ý: Huệ đáo bỉ ngạn,Trí độ, Minh độ, Phổ trí độ vô cực.
          Cũng gọi: Bát-nhã Ba-la-mật-đa, Bát-la-nhã Ba-la-mật, Huệ Ba-la-mật-đa, Trí huệ Ba-la-mật.
          Trí huệ rộng lớn của hàng Bồ-tát chiếu soi thật tướng các pháp, trùm hết tất cả trí huệ, vuợt bờ sinh tử bên này đến bờ Niết bàn, 1 trong 6 Ba-la-mật, 1 trong 10 Ba-la-mật.
          Bát-nhã Ba-la-mật là căn bản của 6 Ba-la-mật, nguồn gốc của tất cả thiện pháp, nên còn gọi Mẹ của chư Phật. Bát-nhã tức là trí huệ siêu việt. Hàng Thanh văn, Duyên giác chỉ cầu mau đến Niết-bàn mà không đến chỗ cùng tột trí huệ siêu việt, nên không thể đạt được Bát-nhã Ba-la-mật; chỉ hàng Bồ-tát do cầu Nhất thiết trí mà hành trì Bát-nhã mới đạt đến bờ bên kia, gọi là Cụ túc Bát-nhã Ba-la-mật. Đến khi thành Phật thì Bát-nhã Ba-la-mật chuyển thành Nhất thiết chủng trí. Cho nên, Bát-nhã Ba-la-mật chẳng thuộc về Phật, chẳng thuộc hàng Thanh văn, Bích-chi-phật, chỉ thuộc hàng Bồ tát.
          Luận Ðại Trí Độ 11 có nêu ra nhiều loại Tự tính của Bát-nhã Ba-la-mật. Ðại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận 8 có ghi rõ về tự tính, nhân, quả, nghiệp tương ứng của Bát-nhã Ba-la-mật và phẩm loại của chúng; nghĩa là Bát-nhã Ba-la-mật lấy pháp  chính trạch xuất thế gian làm tự tính, dùng sức thiền định làm nhân, lấy thiện giải thoát làm quả, lấy vô thượng chính trạch làm mạng, lấy tuyên thuyết chính pháp làm nghiệp, lấy thượng thủ tất cả pháp làm tương ứng; lấy thế gian, xuất thế gian, đại xuất thế gian làm phẩm loại.
          Về pháp tu tập Bát-nhã Ba-la-mật, kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương 4 nêu ra 5 pháp, kinh Ðại Thừa Bảo Vân 2 nêu ra 1 pháp. Ngoài ra, phẩm Ba- la-mật-đa trong kinh Ðại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán 7, luận Đại Trí Độ 4, phẩm Tán Hoa trong kinh Ðại Phẩm Bát-nhã 8, cũng đều nói đến pháp tu tập này. Lại nữa, trong nhiều kinh khác cũng có nhiều chổ tán thán Bát-nhã Ba-la-mật với nhiều tên khác nhau.

Bát nhã


          Phạn: Prajnà.
          Cũng gọi: Ba-nhã, Bát-la-nhã, Bát-lặc-nhã.
          Dịch ý: Huệ, Trí huệ, Minh, Hiệt huệ.
          Trí tuệ do tu tập Bát chính đạo và 6 hạnh Ba-la-mật mà chân thật hiển hiện.    
          Trí huệ này cao sâu, thấy rõ hết tất cả sự vật và đạo lý, nên gọi là Bát-nhã. Bồ-tát muốn đạt đến bờ bên kia phải tu 6 hạnh Ba-la-mật.  Trong ấy, Bát-nhã Ba-la-mật (trí huệ ba-la-mật) được gọi là Mẹ của chư Phật, là nền tảng cho 5 Ba-la-mật còn lại và đứng vào địa vị quan trọng nhất.
          Bát-nhã có thể chia ra: 2 loại, 3 loại, 5 loại. Hai loại Bát-nhã phân thành 3 như sau :
          1. Cộng Bát-nhã và Bất cộng Bát-nhã: Cộng Bát-nhã tức là Bát-nhã chung cho cả Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Bất cộng Bát-nhã chỉ riêng cho hàng Bồ-tát.
          2. Thật tướng Bát-nhã và Quán chiếu Bát-nhã: Thật tướng Bát-nhã, tức là trí huệ chân thật tuyệt đối (thể tánh) vốn có của chúng sinh. Quán chiếu Bát-nhã: Do trí huệ có khả năng quán chiếu thật tướng chân thật tuyệt đối của tất cả pháp nên dùng trí huệ mà quán chiếu tất cả đối cảnh; đây tuy chẳng phải Bát-nhã nhưng là căn nguyên có thể sinh khởi Bát-nhã.
          3. Thế gian trí và Bát-nhã: Thế gian trí là trí thế tục tương dối. Bát-nhã là trí huệ tuyệt đối siêu việt thế tục.
          Ba loại Bát-nhã là Thực tướng Bát-nhã và Quán chiếu Bát-nhã, cộng thêm Phương tiện Bát-nhã hoặc Văn tự Bát-nhã. Phương tiện Bát-nhã là trí tương đối để suy lý phán đoán, rõ biết các pháp sai biệt. Văn tự Bát-nhã là các kinh điển nói về Thật tướng và Quán chiếu Bát-nhã.
         Năm loại Bát-nhã là: Thật tướng, Quán chiếu, Văn tự, Cảnh giới Bát-nhã (tất cả các pháp khách quan là đối tượng của Bát-nhã) và Quyến thuộc Bát-nhã (các pháp tu hành hổ trợ đi kèm theo Bát-nhã).

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

Bát chánh đạo


          Phạn: Àyàstàngika-màrga.
          Cũng gọi: Bát thánh đạo, Bát chi thánh đạo, Bát thánh đạo phần, Bát đạo hạnh, Bát trực hạnh, Bát chánh, Bát đạo, Bát chi, Bát pháp. Bát lộ.
          Tám thứ chánh đạo cầu Niết-bàn. Đây là pháp môn thực tiễn đại biểu nhất trong 37 phẩm trợ đạo của Phật giáo, tức là 8 phương pháp hoặc 8 đường tắt chính xác hướng thẳng đến Niết-bàn giải thoát. Lúc chuyển pháp luân Đức Thế tôn thuyết về việc xa lìa 2 bên dục lạc và khổ hạnh, đi theo con đường trung đạo, tức chỉ cho Bát chánh đạo này.
          1. Chánh kiến (cũng gọi: Đế kiến): Thấy khổ là khổ, thấy tập là tập, thấy diệt là diệt, thấy đạo là đạo; có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác, có đời này đời sau, có cha mẹ; trong thế gian có bậc chân nhân đi đến cõi lành, đi theo đường lành, hướng về điều lành thì ở đời này đời sau sẽ thành tựu, tự chứng.
          2. Chánh tư duy (còn gọi: Chánh chí, Chánh phân biệt, Chánh giác, Đế niệm): Không có Dục giác, Sân giác và Hại giác. (không nghĩ đến tham muốn, không nghĩ đến giận tức, không nghĩ đến việc tổn hại người khác).
          3. Chánh ngữ (cũng gọi: Chánh ngôn, Đế ngữ): Xa lìa nói dối, nói đâm thọc 2 chiều, nói ác, nói thêu dệt ...
          4. Chánh nghiệp (còn gọi: Chánh hạnh, Đế hạnh): Lìa sát sinh, trộm cắp...
          5. Chánh mạng (cũng gọi: Đế thụ): Rời bỏ tà mạng như : chú thuật, bói toán...là cầu y phục, ăn uống, giường chõng, thuốc men, các đồ dùng sinh sống một cách đúng pháp (hành nghề chân chính) (không sinh nhai bằng những nghề nghiệp bất chính, nhu bói toán, bùa chú v.v..)
          6. Chánh tinh tấn (cũng gọi: Chánh phương tiện, Chánh trị, Đế pháp, Đế trị): Phát nguyện và phấn đấu thực hiện mỹ mãn nội dung phát nguyện : quyết dứt ác pháp đã sinh, quyết ngừa ác pháp chưa sinh, làm phát sinh thiện pháp; làm tăng trưởng đầy đủ thiện pháp đã sinh. Nghĩa là siêng năng làm việc thiện.
          7. Chánh niệm (cũng gọi: Đế ý): Lấy biệt tướng hoặc tổng tướng mà quán về tứ niệm xứ: thân, thụ, tâm, pháp.
          8. Chánh định (còn gọi: Đế định): Xa lìa pháp ác ở cõi dục, thành tựu Sơ thiền cho đến Tứ thiền.
          Bát chánh đạo dụ như thuyền bè có năng lực giúp đưa chúng sinh từ bên bờ này là cõi mê đến bờ bên kia là cõi giác ngộ, nên còn có tên là Bát đạo thuyền, Bát phiệt. Lại như căm, đùm, vành xe tương trợ lẫn nhau để cho xe chuyển động, Bát chánh đạo cũng ví gọi là Bát luân. Hơn nữa, đây là chỗ dạo chơi của bậc Thánh, nên còn gọi là Bát du hành, Bát do hành. Ngược lại, tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, gọi là Bát tà, Bát tà hạnh.

Ấn tướng


         Phạn: Mudrà, Pàli: Muddà.
         Dịch âm; Mẫu-nại-la, Mộ-nại-la, Mẫu-đà-la, Mâu-đà-la, Mục-đà-la.
         Những hình tướng được tạo thành bởi 1 hay 2 tay và các ngón tay hoặc các vật mà chư tôn cầm, cho đến nới rộng ra là tất cả các động tác của tay chân dùng để biều thị cho nội chứng tam-muội và ngoại tướng bản thệ của Phật, Bồ-tát, Thiên bộ trong hải hội Mạn-đồ-la. Hoặc chỉ riêng thủ ấn của người tu hành Kiết để tương ứng với bản thệ của chư tôn hầu thâm nhập cảnh giới Tam mật (Thân mật, khẩu mật và ý mật).
         Ấn, có nghĩa là Tin, gồm 3 tính chất : Ấn khả quyết định, quyết định không thay đổi, phù hiệu.
         Hiển giáo phần nhiều dùng Ấn tướng theo 3 nghĩa : Ấn chương, Nại ấn, Ấn khả. Trong Mật giáo, chữ Ấn theo nghĩa rộng là Ðại mạn-đồ-la, Tam-muội-da mạn-đồ-la,  Pháp mạn-đồ-la,  Yết-ma mạn-đồ-la, vì lẽ 4 mạn-đồ-la này đều là phù hiệu của pháp giới. Nói theo nghĩa hẹp thì chỉ có Tam-muội-da mạn-đồ-la là Thân mật trong Tam mật, là Thân Tam-muội-da của chư tônrong 4 mạn-đồ-la. Trong tất cả kinh sách của Mật giáo, Ấn khế hay Ấn tướng phần nhiều chỉ dùng theo nghĩa hẹp này.
         Truớc Mật giáo ở Ấn Độ thường dùng ấn khế như :
         -  Thí vô úy ấn: Tay mặt mở, lòng bàn tay hướng ra ngoài đưa cạnh vai.        
         -  Chuyển pháp luân ấn: để hai tay ở bên ngực, bàn tay mặt với bàn tay trái ngược nhau, các ngón tay trái và phải tiếp xúc nhẹ với nhau.
         -  Xúc địa ấn: Ngồi, tay măt thòng xuống đất, còn gọi là "Hàng ma ấn" hay  "Phá ma ấn", là tuớng ấn lúc Đức Phật thành đạo.
         -  Thiền định ấn: Năm ngón của cả hai tay đều duỗi thẳng, tay trái chồng lên tay mặt, là tướng biểu thị mặc tưởng tư duy, còn gọi là Định Pháp giới.
         -  Thí nguyện ấn: Tay mặt ngay ra, lòng bàn tay hướng ra ngoài, còn gọi là Dữ nguyện ấn, Thí dữ ấn (ấn ban cho).
        Ấn khế của Mật giáo rất nhiều, thông thường lấy 6 kiểu nắm tay và 12 kiểu chắp tay để làm ấn căn bản (ấn mẫu). Trong các pháp tu, phần nhiều lấy 18 khế ấn làm ấn tướng cơ bản trong lúc quán pháp.
   
    I.  Chủng loại của Ấn tướng.
         Theo phẩm Bản Tôn Tam-muội trong kinh Ðại Nhật 6, Ðại Nhật Kinh Sớ 20, Ấn tướng có thể chia ra như sau :
         1.  Hữu tướng (hữu hình): Phân biệt các tướng mà trụ một tướng. Có thể phân làm 2 loại:
         a. Thủ ấn (ấn nơi tay): Ấn mà chư tôn trì thủ, như là "Ấn Trí quyền" của Ðại Nhật Như Lai nơi Kim Cương giới, "Ấn pháp giới định" của Ðại Nhật Như Lai nơi Thai tạng giới.
         b. Khế ấn: Khí cụ mà chư tôn cầm, cũng tức là những hình tam-muội-da như gậy, đao kiếm, hoa sen của Đức Quán Âm, kiếm bén của Đức Văn-thù..v...v...
         2. Vô tuớng (vô hình): Không thiên chấp một tướng nào mà đủ tất cả các tướng, cũng như giơ tay, duỗi chân đều là cảnh giới mật ấn. Ấn tướng vô tướng này khế hợp được nghĩa thật của ấn tướng, là ấn bí mật sâu xa trong chỗ bí mật sâu xa.

    II.  Phân biệt giữa Thủ ấn và Khế ấn.   
         Nếu kiết ấn nơi tay gọi là Thủ ấn; ấn tướng được vẽ ra gọi là Khế ấn. Nói đến nghĩa sâu kín thì Thủ ấn là ấn tướng mà chư tôn với người tu hành đã kiết; còn Khế ấn là chỉ hình tam-muội-da của chư tôn lấy Tam-muội-da trong 4 thứ Mạn-đồ-la làm ấn.
         Trong Mật giáo, dùng 2 tay và 10 ngón kiết thành ấn đều có cách gọi riêng, hầu hết gọi hai tay là hai cánh tay; hai bàn tay là Nhật nguyệt chưởng; mười ngón gọi là Thập độ (10 Ba-la-mật), 10 luân, 10 hoa sen, 10 pháp giới, 10 chân như, 10 ngọn núi. Lai lấy hai tay phối hợp với Kim cương giới và Thai tạng giới hoặc sánh với định và huệ hoặc so với lí và trí..v..v... còn 5 ngón thì phối hợp với năm uẩn, năm Phật đảnh, năm căn, năm tự, năm đại v.v...
         Mười ngón tay phối tự với thập độ như đồ biểu.
          Tay mặt : Mặt trời, quán, huệ trí, thật, hiến, ngoại, Bát-nhã, bí niệm, Kim Cương giới.
         Trên đây phối 5 ngón tay với ngũ đại là căn cứ theo phẩm Mật ấn trong kinh Đại Nhật 4. Còn 10 ngón phối hợp với thứ tự thập độ thì có 2 thuyết :
         Thuyết thứ nhất : Theo kinh luận của hai ngài Kim Cương Trí và Thiện Vô Úy dịch cũng giống như thập độ (1) được phối hợp ở trên.
         Thuyết thứ hai : Theo kinh luận của ngài Bất Không dịch thì như thập độ (2) được phối hợp ở trên.
         Ấn tướng biểu thị sự nội chứng và bản thệ của chư tôn. Cho nên, do sự co duỗi một ngón tay kiết ấn có thể làm chấn động pháp giới và phàm thánh đồng hội lại. Mười ngón tay tiêu biểu cho 10 pháp giới, là tổng thể của mạn-đồ-la, cho nên, mười ngón tay co duỗi, hợp lại có thể kiết thành gì đó. Phàm phu chúng sinh tuy chưa đoạn trừ được phiền não, nhưng sức dùng ấn tướng cũng ngang như sức thánh, có thể sai khiến được hiền thánh, chư thiên, quỉ thần. Công lực của mật ấn có thể  làm cho minh vương, thiện thần, hộ pháp đến bên người tu hành để hộ trì và giúp thành tựu điều nguyện.
         Vì công dụng của ấn tướng rất lớn, nên lúc kiết ấn (bắt ấn) phải cung kính, thận trọng. Người tu hành trước lúc kiết ấn phải được bậc thầy truyền dạy, nếu không thì chẳng những kiết ấn mất công dụng mà còn mắc trọng tội “Việt tam-muội-da”.
         Ngoài ra, để phòng ngừa sự nhiễu loạn của quỉ thần, ác ma, khi kiết ấn nên dùng ca-sa, khăn sạch, chéo áo hoặc tay áo che lại. Thêm nữa, ấn tướng cũng là động tác của thân thể hành sự uy nghi như : Ấn thuyết pháp là lấy tay huơ động kiết ấn để giúp việc thuyết minh; Định ấn (ấn để nhập định) là lấy hai tay đặt trên chân, ngồi kiết-già, để giúp cho sự an định của tâm.
         Lúc ban đầu, ấn tướng chưa có qui tắc cố định. Sau khi Mật giáo hưng khởi, theo sự hành trì của Ấn Độ giáo mới có lý thuyết về ấn tướng và giải thích ý nghĩa cùng lợi ích của ấn tướng. Ấn tướng, do thời gian thành lập trước sau không thống nhất và sự truyền thừa ở Ấn Độ, Népal, Trung Quốc không giống nhau mà Ấn căn bản của chư tôn trong mạn-đồ-la Kim Cương giới và Thai tạng giới cũng bất nhất, nghi thức kiết ấn theo pháp tu hành cũng khác nhau đến ấn tướng nhiều không kể xiết.
         Hiện nay, có những ấn tướng chính của chư Phật và Bồ-tát là : Trí Quyền Ấn của Ðại Nhật Như Lai trong Kim Cương giới, Pháp giới Định Ần của Ðại Nhật Như Lai trong Thai tạng giới, Lực Đoan Định Ấn còn gọi là A-di-đà Định Ấn của Đức Phật A-di-đà và một số ấn mà chư Phật dùng để tiếp dẫn như : An úy ấn, Thí vô úy ấn, Dữ nguyện ấn, Cát tuờng ấn, Hiệp chưởng ấn v.v...
         Ngoài ra, đối với cùng một vị Phật hay Bồ-tát mà ấn tướng Hiển giáo và ấn tướng của Mật giáo cũng có lúc không đồng.

Ấn Độ Phật giáo nghi chế

        
          Những quy định về tu học và sinh hoạt trong Tăng đoàn của Phật giáo Ấn Độ.
          Sau khi thành đạo, Đức Phật chuyển pháp luân độ 5 anh em Kiều-trần-như, mở đầu cho sự thịnh hành Tăng đoàn Phật giáo. Trong Tăng đoàn, Phật ấn định phương thức sinh hoạt lí tưởng,  lấy pháp Tứ y làm chuẩn tắc cho nếp sống :
          1. Thường hành khất thực: Mỗi ngày trước giờ Ngọ đi khất thực để nuôi sống.
          2. Trước phấn tảo y: Mặc loại y được may bằng thứ vải lấy từ mồ mã, nghĩa địa hoặc đống rác.
          3. Y thụ hạ tọa: Ngồi nơi gốc cây.
          4. Dụng trần khí dược: Trần khí duợc là thuốc chế từ động vật bài tiết hoặc từ những thứ thuốc phế bỏ; khi Tỳ-kheo bệnh thì dùng thuốc này.
          Tỳ-kheo theo 4 pháp này mà tu hành thì dứt được tham ái, cuộc sống không còn chấp trước.
          Pháp Tứ y cho thấy rằng sự phân phối quyền lợi trong Tăng đoàn là bình đẳng;  cùng được cùng chia, đó là nguyên tắc. Lợi hòa đồng quân. Sau khi  Phật độ đồng tử Da-du-già, được cha của đồng tử đón mời cúng dường và dâng y; Phật còn được vua Tần-bà-sa-la cúng dường Trúc Viên. Từ đây Phật cho phép các cư sĩ tạo lập giảng đường, tăng phòng, cúng dường ruộng vườn cây trái. Do đó nếp sinh hoạt của Tăng đoàn từ việc khất thực ban đầu diễn biến dần đến việc được mời thỉnh, nhận sự cúng dường; từ "Trước phấn tảo y" trở thành sự “thụ y”, v.v...Qui định về sinh hoạt của đoàn thể Tăng già, trong Kiền-đồ cũng có trình bày rõ ràng tỉ mỉ : Sau khi  Phật nhập Niết-bàn, Trưởng lão của Giáo đoàn đem các nghi thức tác pháp trong Tăng đoàn như thụ giới, bố-tát, an cư....cùng với những điều quy định về sinh hoạt thường ngày, thêm vào việc phân loại, chỉnh lí mà lập thành nghi chế.
          Trong đó, 3 nghi thức trọng yếu hơn cả là:
          1. Tác pháp về tiến cụ: Qui định nghi thức xuất gia thụ giới Cụ túc.
          2. Nghi thức bố-tát. 
          3. An cư.
   
          Ngoài ra, vì ngăn ngừa tăng sĩ làm điều ác và vì duy trì trật tự cùng sự phát triển của Tăng đoàn để cho Phật pháp được bền vững, Đức Phật đã chế ra giới luật. Do có nhiều bộ phái khác nhau, nên luật cũng có 5 bộ khác nhau, nhưng phần cơ bản không ra ngoài 10 nghĩa, gọi là “Kiết giới thập nghĩa”.
          Theo Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tì-nại-da 1 thì 10 nghĩa là:
          1. Nhiếp thủ nơi tăng,
          2. Khiến tăng hoan hỉ,
         3. Khiến tăng lạc thú,
         4. Hàng phục kẻ phá giới,
          5. Nguời biết xấu hổ được an,
          6. Không tin làm cho tin,
          7. Làm tăng trưởng lòng tin của người,
          8. Đoạn dứt hữu lậu trong hiện tại,
          9. Đoạn dứt hữu lậu ở vị lai,
         10. Làm cho phạm hạnh được bền vững.

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Ấn Độ Phật giáo

       
          Phật giáo Ấn Độ được trình bày sơ lược từ thời Đức Phật cho đến các Bộ phái Phật giáo, phái Ðại thừa Trung quán, phái Đại thừa Du-già.

    I. Phật giáo Nguyên thỉ.
    Ðức Phật đản sinh năm 463 truớc Tây lịch ở thành Ca-tì-la-vệ (Phạn: Kapilavastu, Pàli: Kapilavatthu) ngày nay thuộc vùng biên giới Népal, 35 tuổi ngộ đạo, đến năm 383 trước Tây lịch thì nhập diệt. Sau khi Phật diệt độ, những điều Ngài chỉ dạy được các đệ tử kết tập lại. Phật giáo trong thời kì ấy được gọi là “Phật giáo Nguyên thỉ” hay “Phật giáo Căn bản”.
    Phần thuyết pháp của Phật, ban đầu chỉ được ghi nhớ thuộc lòng và truyền nhau đọc tụng, sau đó dùng chữ Pàli để ghi chép. Các kinh : Yếu Số Kinh Tập (Sutta-nipàta), Pháp Cú (Dhamma-pada), Như Thị Ngữ (Iti-vuttaka), Vô Vấn Tự Thuyết (Udàna)..v..v..và luật (Pàli:Vinaya) đều được ghi nhận là pháp của Đức Phật đã thuyết, nếu có lời văn của đệ tử Phật xen lẫn, cũng khó phân biệt được, cho nên gọi chung là “Phật giáo Nguyên thỉ”.
    Lập trường và tư tưởng của Phật giáo nguyên thỉ là nhận thức được cái “Khổ” ngay trong cuộc đời hiện thực này. Hiểu rõ cội nguồn của khổ là sự biến đổi vô thường, họ chủ trương tất cả sự vật hiện hữu đều không có "Ngã" chủ tể tồn tại, nên lập ra quan điểm “Vô ngã”. Họ chủ trương thế giới hiện tượng do Duyên khởi sinh ra không có chủ tể và lập ra pháp Thập nhị nhân duyên là để chứng minh đạo lí Duyên khởi. Đúc kết những điều nói trên mà có giáo thuyết Tứ đế và Bát chính đạo. Ngoài ra còn có giáo nghĩa Tam học là Giới, Định, Huệ; Tứ vô lượng tâm là Từ, Bi, Hỉ, Xả; Tứ thần túc, Ngũ phần pháp thân, Ngũ căn, Ngũ lực; Thất giác chi v.v...
    Tăng-già (Phạn, Pàli: Samgha) là một đoàn thể lấy các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni làm chính, cộng thêm cư sĩ nam, nữ tại gia để lập thành. Trong giới luật, Đức Phật đều có chế định tổ chức Tăng-già. Giáo đoàn không chấp nhận chế độ chủng tính ở Ấn độ. Vị Tỳ-kheo, dù xuất thân từ gốc tiện dân, nhưng giới lạp cao thì vẫn ở vị trí trên vị Tỳ-kheo xuất thân từ gốc vua chúa. Ngoài ra, Giáo đoàn cũng thường vì người tu tại gia mà giảng thuyết về bố thí, ngũ giới, các pháp về cõi trời...

    II. Phật giáo Bộ phái.
    Đức Phật nhập diệt chừng 100 năm sau (tức năm 283 trước Tây lịch), giáo đoàn Phật giáo chia thành 2 phái là Thượng Tọa bộ bảo thủ và Ðại Chúng bộ cách tân.
    Về sự phân chia này, theo tư liệu Phật giáo Bắc truyền cho là do ngài Ðại Thiên (Phạn: Mahàdeva) đề xuất ra học thuyết mới về 5 việc. Còn theo tư liệu Phật giáo Nam truyền của Ðảo Sử Tích-lan (Đảo Vương Thống Sử, Pàli: Dìpavamsa), (Ðại Vương Thống Sử, Pàli: Mahàvamsa) thì do Tỳ-kheo dòng Bạt Kì (Pàli: Vajjiput-taka) đề xướng học thuyết mới 10 việc.
   
    III. Bồ tát đoàn.
    Phật giáo Ðại thừa phát triển song song với Phật giáo bộ phái, sau kỷ nguyên Tây lịch. Trước đó, tín chúng tại gia đã tổ chức thành đoàn thể, cũng tức là Bồ-tát đoàn. Bồ-tát đoàn bắt đầu có từ khoảng thời gian vua A-dục trị vì (268-232 trước Tây lịch), lấy những tháp Phật (Stùpa: tháp thờ cúng di cốt của Phật) làm trung tâm, đoàn kết mà lập thành do việc lễ bái tháp Phật mà nảy sinh ra sự tín ngưỡng kiên định đối với Đức Phật, được "pháp lạc" tôn giáo sâu xa. Ðối lại với "Tăng-già" của các Tỳ-kheo, các tín chúng tại gia tự xưng là "Bồ-tát-đoàn" (Bodhisattva-gana).
    Chữ “Ðoàn” nguyên là tổ chức của các thương nhân phần đông là các nhà công thương nghiệp đô thị nên dùng chữ Đoàn để đặt tên. Ðoàn thể tín ngưỡng tháp Phật này về sau phát triển thành một bộ phận của giáo đoàn Phật giáo Ðại thừa.

    IV. Phật giáo Ðại thừa.
    Trong sự tín ngưỡng tháp Phật, Bồ-tát Đoàn ngoại trừ việc lễ bái, còn tiến thêm một bước nữa là hổ trợ việc biên tập kinh điển thuộc về giáo lý Đại thừa. Đầu tiên là hoàn thành việc biên tập kinh Tiểu phẩm Bát-nhã vào thế kỷ 1 trước Tây lịch; kinh Đại phẩm Bát-nhã hình thành vào thế kỷ 1 sau Tây lịch. Các kinh Đại thừa khác hình thành từ thế kỷ II đến thế kỷ IV sau Tây lịch.
    Tinh thần đoàn kết đại đồng này trở thành tinh thần căn bản của Phật giáo Ðại thừa. Lập trường tư tưởng của Phật giáo Ðại thừa là “không” (Phạn: Sùnyatà). Chữ Không theo nghĩa thông thường, nghĩa là không có gì. Vì nói đến bản thân của sự tồn tại thì cũng phải là việc thấy trước mắt mới có thể nắm lấy, ngoài ra không có cách nào khác. Nhưng Đại thừa cho rằng trong thế giới hiện tượng này không có một vật gì có thể chấp trước, trừ phi vật này có thể tự giữ chặt được, có thể tồn tại mãi được thì mới gọi là tồn tại chân chính. Trong Bát-nhã Tâm Kinh nói : “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”, là chỉ ý này. Sắc (Phạn: Rùpa), là chỉ cho vật chất hữu hình, ý nói hiện tượng tồn tại thông thường. Trong kinh Pháp Hoa, ngoài chủ trương về thuyết "Nhất thừa”, còn đưa ra tư tưởng “Nhị thừa thành Phật”. Nhị thừa là Thanh văn thừa và Duyên giác thừa mà cũng chỉ cho hàng Tỳ-kheo trong giáo đoàn đều phải hướng về Bồ-tát đạo.
    Kinh Pháp Hoa lại chủ trương: “Cửu viễn thật thành chi Phật", tức là chỉ cho Đức Phật đã hiện hữu từ thuở lâu xa và có thọ mạng vô lượng. Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Vô lượng thọ mạng chi Phật". Hai kinh cùng thuyết minh về cội gốc của sự tồn tại bắt nguồn từ nơi có sinh mệnh vĩnh viễn bất diệt, tức gọi là Phật. Chữ "Không" trong kinh Bát-nhã là nói theo lập trường triết học, còn chữ "Không" được nói ở đây là nhìn từ quan điểm tôn giáo.
    Kinh Hoa Nghiêm thì nêu lên thế giới quan: “Một tức hết thảy, hết thảy tức một”. Trong đó, bất luận là nói cách nào cũng nhân danh Ðại thừa để mở rộng nhân sinh quan và vũ trụ quan. Đại thế giới quan của kinh Hoa Nghiêm là căn cứ của lập luận trên.
    Phật giáo Ðại thừa trong thời kì sau có các vị đại luận sư xuất hiện và nhiều bộ luận lớn ra đời, tạo nhiều ảnh hưởng đến mỹ thuật, kiến trúc...v..v. Không bao lâu truyền đến Tây Vực, Trung Quốc, Nhật Bản, sản sinh ra văn hóa Phật giáo Ðại thừa thật độc đáo. Thời kì sau của Phật giáo Ðại thừa chịu ảnh huởng Mật giáo trong Ấn Độ giáo, với tín ngưỡng dân gian mạnh mẽ ở đất Ấn Độ nên nhuộm màu sắc Mật giáo rõ rệt và rồi lần lần suy thoái. Sau khi Hồi giáo xâm nhập Ấn Độ, Phật giáo cũng theo đó mà suy tàn.

    Thời kì giữa của Phật giáo Ðại thừa (thế kỷ III đế thế kỷ IV) phân làm 2 học phái:  phái Trung quán và phái Du-già.

    1. Phái Trung quán (Phạn: Màdhyamika)
    Lấy Trung Luận của ngài Long Thọ làm cơ sở để tuyên dương Bát-nhã Không Quán. Học thuyết của Trung Luận chủ trương: Giác ngộ tất cả sự vật tồn tại đều bắt nguồn từ tính duyên khởi, chẳng phải chủ trương “không”, cũng chẳng phải chủ trương “có”, mà chủ trương chính quán : "Chân không Trung đạo".
    Học trò của ngài Long Thọ là Ðề-bà (Phạn: Àryadeva) viết Bách Luận để bài xích ngoại đạo và giáo nghĩa của Tiểu thừa, La-hầu-la Bạt-đà-la (Phạn:  Ràhulabhadra) chú thích nghĩa “Bát bất” trong Trung Luận.
    Triều đại Gupta, thời kỳ đầu có bản chú thích về Trung Luận Bản Tụng do luận sư Thanh Mục soạn và bản chú thích Bách Luận Bản Tụng của khai sĩ Thế Thân.
    Vào thế kỷ IV và V, xuất hiện 2 hệ thống: phái Cụ duyên (Phạn: Pràsangika), của ngài Phật Hộ (Buddhapàlita) và phái Y tự khởi (Phạn: Svàtantrika) của ngài Thanh Biện (Phạn: Bhàvaviveka). Ðó là 2 phái lớn từ phái Trung Quán chia ra. Hai vị này đều là đệ tử của ngài Tăng Hộ (Phạn: Samgharaksita). Phật Hộ chủ trương: "Các pháp duyên khởi tất cánh không". Còn Thanh Biện thì nhấn mạnh : Nhìn theo Tục đế môn thì "Các pháp duyên khởi đều không có tự tánh, bất khả đắc", còn nhìn theo Chân đế môn thì chủ trương rằng: "Tất cả pháp đều có bản tính thường trụ tồn tại". Trong hệ phái Cụ Duyên của Phật Hộ, khoảng thế kỷ VII, có luận sư Nguyệt Xứng (Phạn: Candrakìrti) viết “Trung Luận Chú”, làm cho thế lực của giáo phái này rất hưng thịnh.

    2. Phái Du già.
    Học phái này suy tôn ngài Di lặc (Phạn: Maitreya, 270 - 350 Tây lịch) làm vị tổ khai sáng.
    Tương truyền rằng các tác phẩm như Luận Du-già Sư-địa (Phạn: Yogàcàra-bhùmi), Ðại thừa Trang Nghiêm Kinh Luận Tụng, Biện Trung Biên Luận Tụng, Luận Hiện Quán Trang Nghiêm... đều do ngài Di-lặc soạn.
    Phái này lấy tư tưởng “Không” của Bát-nhã và Du-già hành làm cơ sở kiến lập thuyết Duy thức. Ngoài ra, phái này đứng trên phương diện Tự tính thanh tịnh mà lập ra tư tưởng “Như Lai Tạng Duyên Khởi”. Ngài Vô Truớc (Phạn: Asanga, 310 - 390) là vị tổ thứ 2 của phái này, đã viết Hiển Dương Thánh Giáo Luận Tụng, Luận Nhiếp Đại Thừa (Phạn: Mahàyàna-samgraha) và Đại Thừa A-tì-đạt-ma Tập Luận (Phạn: Mahàyànàbhidharmasamuccaya) làm cơ sở để lập nên phái Du-già. Em của ngài là Thế Thân (Phạn: Vasubandhu) viết Duy Thức Tam Thập Luận Tụng  (Phạn: Trimsikà-kàrikà), Duy Thức Nhị Thập Luận Tụng (Phạn: Vimsatikà-kàrikà), Nhiếp Đại Thừa Luận Thích v.v... tuyên dương thuyết Du-già Duy Thức. Hệ thống học thuyết của ngài Thế Thân lại phân ra 2 hệ thống lớn: Trần Na (Phạn: Dignàga) và Ðức Huệ (Phạn: Gunamati). Trần Na là người tập đại thành Luận Lí học Ấn Độ.
    Ðến giữa thế kỉ thứ VII, Phật giáo nhanh chóng dung hợp với Ấn Độ giáo sinh ra Mật giáo. Nguyên nhân là giữa thế kỉ VII, tại biên giới Ấn Độ, người Ả Rập thành lập nước Hồi giáo áp bức người Ấn Độ. Do ý thức phản kháng của các vua Ấn Độ cùng với nhân dân lập ra Ấn Độ giáo có khuynh hướng dân tộc. Trong bối cảnh chính trị ấy, Phật giáo cho rằng thỏa hiệp với Ấn Độ giáo là phương pháp tốt nhất để bảo tồn Phật giáo, nên dần dần dung hợp với Ấn Độ giáo và có khuynh hướng Mật giáo hóa. Ðến cuối thế kỉ XII, tín đồ Hồi giáo xâm nhập vào vùng đất trung tâm của Phật giáo (tức là một dải đất ở miền nam Bihar) thì Phật giáo hoàn toàn dung nhập vào Ấn Độ giáo. Ðồng thời, do quân đội Hồi giáo nhiều lần xâm nhập, triệt để hủy diệt tự viện Phật giáo, nên Tăng đồ cũng trốn ra nuớc ngoài, đó là lúc Phật giáo Ấn Độ suy tàn.

Ân


          Ơn.
          Tất cả sự vật đều nương vào nhân duyên mới có thể cùng nhau tồn tại, đây là chỗ tồn tại của "Ân". Nghĩa chữ Ân Phật giáo giảng nói, được chia làm 2 phương diện tích cực và tiêu cực.
    1. Ân tích cực.
       Tâm giữ tưởng niệm ân, đây là yếu tố tu hành căn bản của Phật giáo. Ví như 4 ân mà kinh Ðại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán nêu : Ân cha mẹ, ân quốc vương, ân chúng sinh, ân Tam bảo. Đây là những ân mà chúng ta cần phải thường nghĩ nhớ. Trong bốn ân, nhất là công đức phụng dưỡng cha mẹ đồng với công đức cúng dường chư Phật. Ngoài ra, đối với ân đức của Như Lai dùng nguyện lực lớn cứu độ chúng sinh, chúng ta cũng phải tưởng nhớ và cảm nghĩ đến.
    2. Ân tiêu cực
    Ví như tình ân ái giữa cha mẹ con cái, vợ chồng, vì thuờng chướng ngăn việc tu hành Phật đạo, nên cần phải đọan tuyệt.
    Pháp Uyển Châu Lâm 22 (Ðại 53, 448 trung), ghi : Khi xuất gia, có bài kệ:
    Lưu chuyển tam giới trung
    Ân ái bất năng thoát
    Khi ân nhập vô vi
    Chân thật báo ân giả.

    Trôi lăn trong ba cõi
    Ân ái khó thoát lìa
    Bỏ ân (ái)vào vô vi
    Là chân thật báo ân

     Trung Quốc và Nhật Bản đều xem trọng tư tưởng Ân, nhưng Phật giáo Ấn Độ thì không chú trọng lắm, như trong luận Nhân Thi Thiết (Pàli: Puggala-pannatti) có nói đến 2 hạng người được thế gian quý trọng và khen ngợi:
    1. Người ban ân.
    2. Nguời biết ân và cảm ân.
    Nguời biết ân, nguyên văn Pàli là Katannù, nghĩa là Người cảm biết ân huệ của người khác. Chữ ân trong tiếng Hán là do chữ (nhân) và chữ (tâm) hợp thành, rất phù hợp với ý của nguyên ngữ Pàli, nên cũng nói : Phàm tất cả nguyên nhân tạo thành những trạng thái ngày hôm nay của bất cứ việc gì cũng đều tồn tại trong tâm, in sâu vào sự nhớ nghĩ.

Ẩm thực

          Ăn uống.
          Loài hữu tình trong cõi Dục phải nhờ ăn uống để nuôi thân, tức là dùng 3 pháp: hương, vị, xúc làm thể của thức ăn, ăn uống vào bụng để nuôi dưỡng các căn.
         Phật Địa Kinh Luận 1 (Ðại 26, 295 thuợng), ghi: “ Giữ gìn thân không cho hoại dứt và nuôi lớn thiện pháp, gọi đó là Thực (thức ăn).
         Có 2 loại thức ăn :
    1. Ngũ đạm thực : Cơm, đậu, cốm, thịt, bánh.
    2. Ngũ tước thực : Rễ, cọng, lá, hoa, trái.
        Theo luận Ma-đắc-lặc-già, trong khi ăn, mỗi miếng ăn phải quán niệm, cứ giới hạn ăn 3 muỗng là một miếng. Muỗng thứ nhất thầm tưởng : “Nguyện đoạn tất cả các điều ác”; muỗng thứ hai thầm tưởng : “Nguyện tu các điều thiện”; muỗng thứ ba thầm tưởng : “Các thiện căn đã tu, hồi hướng cho chúng sinh, đều trọn thành Phật đạo”.

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Áo nghĩa thư

   
    Phạn: Upanisad.
    Dịch âm: Ưu-ba-ni-sa-độ.
    Sách triết học của Ấn Độ. Nội dung ghi giáo nghĩa bí huyền giữa thầy và trò, nên gọi là Áo Nghĩa Thư, sách viết bằng chữ Phạn, ghi chép, tường thuật những tư tưởng nguyên gốc của triết học Ấn Độ.
    Tôn giáo ở Ấn Độ bắt nguồn từ những bài tán tụng trong kinh Veda. Sau đó, để thuyết minh cách sử dụng tán tụng và nghi thức tán tụng của kinh này mà người ta biên tập Phạm Thư, trong đó có chương A-lan-nhã-ca (Phạn: Àranyaka). Lời giảng trong chương này mầu nhiệm sâu xa, lấy nghĩa từ những người trốn đời trong rừng rậm đọc tụng mà gọi là Sâm Lâm Thư.  Áo Nghĩa Thư chủ yếu giải thích tư tưởng triết học của chương này, nó hàm chứa ý nghĩa rốt ráo của toàn kinh Veda. Áo Nghĩa Thư vốn là bộ phận sau cùng của Veda, về sau theo cách nhìn mới, người ta phát huy rộng ý nghĩa cứu cánh của Veda mà biên tập thành kinh Vedanta.
    Áo Nghĩa Thư chứa đựng tư tưởng triết học cội nguồn của Ấn Độ, do vậy bộ sách này rất được xem trọng và trở thành chổ y cứ cho các phái triết học đời sau.
    Hiện nay còn có hơn 200 bản truyền lại của 13 loại kinh Áo Nghĩa Thư gọi chung là Áo Nghĩa Thư cổ đại, được coi là Văn học thiên khải (Phạn: Sruti), hoàn thành vào khoảng năm 800-600 trước Tây lịch.
    Mười mấy thế kỉ sau đó, nó vẫn được tiếp tục soạn thêm, gọi là Tân Áo Nghĩa Thư, cho nên thể văn của Áo Nghĩa Thư có thể chia làm 3 loại : Tản văn cổ, tản văn và tản văn mới.
    Các loại kinh Áo Nghĩa Thư cổ đại đều không phải cùng một tác giả, do đó, có nhiều tư tưởng cũ mới xen nhau, thiếu sự tập trung vào một chủ đề chính và thiếu sự thống nhất. Thực tế, người biên soạn Áo Nghĩa Thư không ai khác hơn là các vị Bà-la-môn kế tiếp nhau trong nhiều đời, cho nên về sau người ta phải tốn nhiều năm để biên tập lại thành một bộ sách gồm nhiều thiên thống nhất về tư tưởng và hình thức. Ngoài ra, có thể nói, Áo Nghĩa Thư là tượng trung cho tư tưởng xem trọng trí thức bên cạnh chủ nghĩa vạn năng tế tự của Veda, tạo ra cơ hội thuận tiện thúc đẩy Phật giáo hưng khởi.
    Tư tuởng cốt lỏi, xuyên suốt toàn bộ  Áo Nghĩa Thư, cho rằng : Phạm (bản thể của đại vũ trụ) và Ngã (bản chất cá nhân) là đồng một thể (Phạm Ngã đồng nhất). Đây là nguyên lí căn bản của vũ trụ vạn hữu và cũng là quan niệm của Nhất nguyên luận. Căn cứ vào nguyên lí căn bản này thì sự sinh khởi, phát triển và hủy diệt của vạn sự vạn vật ắt phải theo một quy luật nhất định. Mạng sống của con người là do nơi Nghiệp, tùy theo hành vi đạo đức và quả báo thiện ác của con người khiến cho chúng sinh luân hồi, từ đó phát triển thành tư tưởng chuyển sinh luân hồi. Nhờ trải qua thiền định và khổ hạnh để nhận thức chân lí “Phạm Ngã nhất như”, tức giải thoát sự trói buộc sinh tử luân hồi, đạt đến cảnh giới Phạm (Phạn: Brahma-loka) thường trụ bất diệt, đây là mục đích cao nhất của nhân sinh. Tư tưởng này chỉ rõ tất cả hiện tượng giới đều là hư vọng, chỉ có "Phạm" là thực tại duy nhất, và cho "Phạm, Ngã" là đại biểu cho hai mặt Tâm và Vật mà sinh thành ra vũ trụ vạn vật.
    Do tư tưởng này, trong triết học Ấn Độ cổ đại, sinh ra các hệ phái Hữu thần luận.
    Sách này có rất nhiều bản dịch, bản dịch cổ nhất là bản dịch tiếng Ba Tư, sau đó được dịch ra các thứ tiếng: La-tinh, Ðức, Anh, Nhật và Trung Quốc. Sách này cũng đã được dịch sang tiếng Việt với tựa là "Dưới Chân Thầy".

Án ma ni bát di hồng


    Phạn: Om mani padme hùm.
    Cũng gọi: Án ma ni bất nột minh hồng, Án ma ni bất đầu mê hồng.
    Câu thần chú 6 chữ, hàm nghĩa : “Qui y châu ma-ni trên hoa sen”.
    Tín đồ Phật giáo Tây Tạng khi cầu tương lai được vãng sinh Cực Lạc thì đọc 6 chữ minh chú này trước bồ-tát Liên Hoa Thủ (Phạn: Padma-pàni), vì họ tin rằng Bồ-tát này ở trên đài sen của thế giới Cực Lạc (Tạng: Bde-ba-can) cứu độ người cầu nguyện, thoát khỏi sinh tử, nên bất luận là người xuất gia hay tại gia, đều siêng năng việc đọc tụng chú này.
    Theo truyền thuyết xưa nay ở Tây Tạng, khoảng thế kỉ thứ V, có vua Cáp-đà-đóa-lật-tư-nhan-tán (Tạng: Tho-tho-ri-gnan-btsan) từng nhận được 4 báu vật từ trời rơi xuống. Sáu chữ minh chú là 1 trong 4 vật ấy.
    Ma-ni-già-bộ-bà (Tạng: Mani bkah hbum) trong kinh Quán Âm tiếng Tây Tạng tán thán công đức của 6 chữ minh chú này bằng thể thơ, gọi chú này là cội nguồn của trí huệ, giải thoát, cứu tế, khoái lạc. Nếu ai đọc chữ Om trong 6 chữ minh chú một lần thì sẽ đoạn đường luân chuyển trong cõi trời; xướng chữ Ma, thoát khỏi đường A-tu-la; xướng chữ Ni, thoát khỏi tai ách thụ sinh trở lại trong cõi người; xướng chữ Bát, làm cho nguời xa lìa luân hồi trong đường súc sinh; xướng chữ Me, thoát khỏi nổi khổ chìm đắm trong đường ngạ quỉ; xướng chữ Hùm, thoát khỏi nổi khổ đọa vào địa ngục.
    Lại, vẽ chữ Án màu trắng tượng trưng cõi trời, vẽ chữ Ma màu xanh tượng trưng đường A-tu-la, vẽ chữ Ni màu vàng tượng trưng cõi người, vẽ chữ Bát màu lục tượng trưng đường súc sinh, vẽ chữ Di màu đỏ tượng trưng đường ngạ quỉ, vẽ chữ Hồng màu đen tượng trưng địa ngục. Không những miệng xướng minh chú này mới có công đức mà mang bên thân hoặc cầm trong tay, hoặc cất trong nhà, cũng được nhân giải thoát sinh tử.
    Người Tây Tạng phần nhiều vẽ 6 chữ minh chú này trên bức vải dài... để trong ống đựng kinh, gọi là pháp luân; thông thường dùng tay tự xoay hoặc nhờ sức quạt gió hay quạt nước làm cho nó quay, gọi là chuyển pháp luân, cho rằng công đức chuyển pháp luân giúp thoát khỏi sinh tử luân hồi. Pháp luân lớn nhất, vẽ được một triệu minh chú. Ở Tây Tạng, thấy cờ xí bay phất phới nơi cổng nhà, tức là 6 chữ minh chú này, bia dựng bên đường cũng như vậy. Do đó, có thể biết được sự tín ngưỡng và  tôn kính 6 chữ minh chú này của người Tây Tạng.

Án


          Chữ (om) Tất Đàm, thường đặt đứng đầu các câu chú, hàm ý thần thánh trong Phệ-đà. Án có nghĩa là "đồng ý" lại dùng làm Thánh âm (Phạn: Pranava), đặt đầu tiên trong các câu chú và văn nguyện. Đến Áo Nghĩa Thư cộng thêm nghĩa bí mật, trở thành đối tượng quán tưởng, tiến thêm bước nữa (Án) trở thành Phạm, thế giới, người nào nương theo pháp quán tưởng này mà tu hành chân thật thì đạt được pháp Ðệ nhất nghĩa (Phạm).
        Theo Bí Tạng Kí, phần cuối, liệt kê chữ Án có 5 nghĩa : quy mạng, cúng dường, tam thân, cảnh giác và nhiếp phục; nhưng thông thường chỉ dùng 3 nghĩa truớc.
        Chữ Án, do ba chữ (a), (u), (ma) hợp thành. A có các nghĩa: Bồ-đề tâm, các pháp môn, vô nhị, các pháp quả, tính, tự tại, cũng có nghĩa là pháp thân. U nghĩa là báo thân; Ma nghĩa là hóa thân. Hợp 3 chữ này thành chữ Án, hàm nhiếp vô biên nghĩa, nên đứng đầu tất cả đà-la-ni.
        Mật giáo không những dùng hình thức thần chú, lại còn bao gồm mọi cách giải thích. Trong các câu chú, những câu có chữ Án đứng đầu rất nhiều, như Ðại Nhật Chân Ngôn: “Án a-tì-la hồng-khiếm ta-bà-ha”, Lục tự minh chú của Lạt-ma giáo ở Tây Tạng: “Án ma ni bát di hồng” cũng dùng hình thức này. Nếu tu quán chữ Án này thì tam thân Phật hiện gia trì và ủng hộ hành giả, nhờ công đức này mà hành giả thành tựu Vô thuợng Chính đẳng Chính giác.
        Vì chữ Án do ba chữ (a, u, ma) hợp thành cho nên trong tu tưởng Ấn Độ thời cổ đại, Án tiêu biểu 3 tính : nam, nữ, trung, hoặc biểu thị ba thời : quá khứ, hiện tại, vị lai; lại phối với ba Phệ dà (Veda) hoặc phối hợp với ba trạng thái : thức, mộng, ngủ mê; hoặc phối hợp với 3 loại : hỏa, phong, mặt trời; hoặc phối hợp với: thực, thủy, nguyệt; hoặc phối hợp với: thiên, không, địa. Về sau, Ấn Độ giáo lại so sánh chữ Án với ba thứ: Tì-thấp-nô (Phạn: Visnu), Thấp-bà (Phạn: Siva), Phạm (Phạn: Bràhman), cũng chính là 3 vị thần một thể (Phạn: Trimarti) chuyên quản lý việc hộ trì, phá hoại, sáng tạo.

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

An lạc hạnh


     Pháp an trụ thân tâm của Bồ-tát hoằng dương kinh Pháp Hoa vào thời mạt pháp trong đời ác.
    Theo phẩm An Lạc Hạnh, kinh Pháp Hoa 4, có 4 pháp An lạc hạnh: Thân an lạc hạnh, Khẩu an lạc hạnh, Ý an lạc hạnh, Thệ nguyện an lạc hạnh. Chính các vị Bồ-tát cũng phải xa lìa lỗi lầm của ba nghiệp: Thân, Khẩu, Ý và phát nguyện hướng dẫn, giáo hóa chúng sinh, thực hành hạnh an lạc lợi mình lợi người.
    Theo Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa của ngài Huệ Tư, trong tất cả pháp, tâm an trụ bất động, gọi là An, không bị phiền não năm ấm trói buộc, gọi là Lạc; thân tâm an lạc, chính mình thực hành và giáo hóa người khác, gọi là Hạnh.
    Sách này lại chia An lạc hạnh làm 2: Hữu tướng và Vô tướng.
    1.Hữu tướng hạnh.
    Pháp tu bên ngoài như nhất tâm tụng đọc kinh Pháp Hoa, gọi là Văn tự hữu tướng hạnh.
    2.Vô tuớng hạnh.
    Pháp tu bên trong như tu Chỉ quán, ngay trong tất cả pháp mà thể đạt tam-muội, tâm tướng tịch diệt, rốt ráo không sinh khởi, tức chẳng cho  “An lạc hạnh” này là pháp tu hành mà trong trạng thái tự nhiên vô hành, tự hành và giáo hóa người khác.
    Ngoài ra theo Pháp Hoa Văn Cú 8, phần cuối, cũng nêu ra 3 cách giải thích  nghĩa An lạc hạnh: 
    1.Y sự thích.
    Y theo sự vật để giải thích, nghĩa là thân không nguy hiểm là an, tâm không buồn lo là lạc, y theo thân tâm an lạc này mà thực hành hạnh lợi mình lợi người.
    2.Phụ văn thích.
    Nương theo 3 nguyên tắc trong phẩm Khuyến Trì để giải thích, nghĩa là mặc áo Như Lai (hành hạnh Chỉ) là pháp thân an, vào nhà Như Lai (hành hạnh Từ bi) là tâm giải thoát an lạc, ngồi tòa Như Lai (hành hạnh Quán) là hạnh Bát-nhã. Ngoài ra, nương theo văn trong phẩm An Lạc Hạnh để giải thích, tức an trụ trong đất nhẫn nhục là thân an, không bị phiền não, bạo lực làm khốn khổ là tâm lạc, quán Thật tướng các pháp là Hạnh tiến.
    3.Pháp môn thích.
    Dùng pháp môn tu hành để giải thích thì không duyên theo sinh tử, niết-bàn mà an trụ bất động, là An; không chấp thủ cái dụng rộng lớn của tam-muội và không thụ năm ấm, là lạc; trong trạng thái vô thụ vô hành mà hành Trung đạo, là Hạnh.

An lạc


    Tên khác của thế giới Cực lạc ở phương Tây.
    Theo kinh Vô Lượng Thọ, thượng, nước của Phật A-di-đà không có khổ nạn tam đồ, chỉ có niềm vui tự nhiên chân thật, nên gọi là nước An Lạc.
    Ngoài ra, Pháp Hoa Văn Cú 8 phần cuối, giải thích : Thân không nguy hiểm là An, tâm không lo buồn là Lạc.

An cư


    Phạn: Vàrsika, varsa.
    Pàli: Vassa.
    Dịch ý : Vũ kì.
    Còn gọi : Hạ an cư, Vũ an cư, Tọa hạ, Hạ tọa, Kết hạ, Tọa lạp, Nhất hạ cửu tuần, Cửu tuần cấm túc, Kết chế an cư, Kết chế.

    Chư tăng cùng nhau tụ họp về một trú xứ trong 3 tháng để chuyên tâm gắng sức tu hành. Một trong những quy định trong giới luật của Phật giáo.
    Mùa hạ ở Ấn Độ, mưa kéo dài đến 3 tháng, nếu ra ngoài, sợ giẫm chết côn trùng và mầm chồi cỏ cây mới mọc trên mặt đất khiến nguời đời cười chê, nên trong khoảng thời gian 3 tháng này, người xuất gia không được đi ra ngoài mà phải  ở chung lại một chỗ, để gắng sức tu hành, gọi là an cư.
    Tứ Phần Luật San Bổ Tùy Cơ Yết-ma Sớ 4, giải thích nghĩa an cư như sau: Thân tâm đều tĩnh lặng, gọi là an; quy định thời gian ở một chổ, gọi là cư.
    Pháp an cư lúc đầu do Bà-la-môn giáo thời cổ đại ở Ấn Độ thực hành, về sau được Phật giáo chọn dùng.
    Kinh Du hành trong Truờng A-hàm 2, Phật Bản Hạnh Tập Kinh 39, đều có chép sự tích Đức Thích Tôn và đệ tử an cư tu hành.
    Tăng-già-la-sát Sở Tập Kinh, hạ, liệt kê các địa danh mà Đức Thích Tôn kiết hạ trong khoảng thời gian 45 năm.
    Sau khi Đức Thích Tôn thành đạo, cùng với các đệ tử tổ chức an cư lần thứ nhất. Về lần an cư này, các kinh điển ghi chép khác nhau, nhưng số đông đều cho vườn Lộc Đã là nơi trụ xứ an cư lần đầu tiên.
    Theo Thiện Kiến Luật Tì-bà-sa 3, ngài Ma-sẩn-đà con vua A dục, cùng với các tỳ-kheo kiết hạ 3 tháng ở Ca-na-ca (Phạn: Kantaka) núi Chi-đế-đa (Pàli: Cetiyagiri) thuộc nước  Sri Lanka (Tích lan hiện nay). Ðến nay, các nước Phật giáo phương Nam như Tích Lan, Miến Điện.... vẫn y cứ theo luật đã qui định mà tác pháp an cư.
    Theo luật Thập Tụng 28 : Năm chúng xuất gia là tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-ni, Sa-di, sa-di-ni đều phải an cư. Hai chúng tại gia: Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thì có thể không an cư. Trong năm chúng xuất gia, Tỳ-kheo và Sa-di an cư tu hành cùng một chỗ. Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-ni và Sa-di-ni an cư tu hành cùng một chỗ.     Đại Phẩm Nhập Vu An Cư Kiền-độ trong luật Tạng Pàli (Vassupanàyika -
kkhandhaka) qui định : Tỳ-kheo không an cư thì phạm tội ác tác (Đột-kiết-la, Pàli:
Dukkata).
    1. Các quy định về an cư.
    Theo An Cư Kiền-độ trong luật Tứ Phần 37, quy định như sau: An cư dưới cội cây, trong thất nhỏ, trong hang núi, bộng cây, trên thuyền, nơi làng xóm hoặc có thể nương theo người chăn trâu, người ép dầu, người đốn cây.
    Pháp An Cư trong Luật Ngũ Phần 19: Cấm an cư ở nơi không có người cứu hộ, như gò mã, nơi cây không có tàng, nhà lợp bằng da thú, chỗ đất trống. Trước khi an cư, phải sửa sang phòng xá, phân phối phòng xá và những vật cần dùng cho đại chúng một cách công bằng.
    2. Thời hạn an cư.
    Theo điều Sàng Nhục Pháp trong luật Ma-ha Tăng-kì 27, nếu địa điểm an cư  gần thì có thể phân phối vào ngày rằm tháng 4, nếu xa hoặc số người an cư quá đông phải dời đến một nơi khác để an cư thì được phân phối vào ngày 13 tháng 4. Khi vào an cư, phải thưa rõ ý chí kiết chế an cư đối với người mà mình nương tựa (Tỳ-kheo có đức) mới được vào an cư, gọi là đối thủ an cư. Nếu không có người nương tựa thì trong tâm tự nêu rõ ý chí kiết chế an cư để vào an cư, gọi là Tâm niệm an cư.
    Trong thời gian an cư, cấm ra ngoài, nếu trái sự qui định này thì phạm tội Ác tác. Nhưng theo luật Tứ Phần 37, nếu đi mà trở về cùng trong ngày hoặc có duyên sự đặc biệt, Tăng chúng cho phép thì cũng được ra ngoài, nhưng chỉ giới hạn trong vòng 7 ngày hoặc 15 ngày mà thôi, phương pháp này gọi là Thất nhật pháp, Thụ nhật pháp.
    Ngoài ra, nếu vi phạm qui định ra khỏi cương giới thì phạm tội Ác tác, gọi là Phá an cư, Phá hạ, sẽ mất tư cách tiếp nhận vật cúng dường được phân phối trong lúc an cư. Nếu vì tránh các chuớng nạn: Thú dữ, rắn độc, lửa cháy, nước cuốn, vua bạo ngược, giặc cướp, thiếu lương thực, kỷ nữ và thân tộc hoặc vì hòa giải các duyên sự phá tăng thì được rời khỏi chổ an cư mà không phạm tội. Thời gian an cư thông thường là 9 tuần (90 ngày).
    Theo Tứ Phần Luật San Phồn Bổ Khuyết Hành Sự Sao, thượng, phần 4, ngày 16 tháng 4 là ngày đầu an cư, ngày 15 tháng 7 là ngày kết thúc an cư, ngày hôm sau (ngày 16) là ngày Tự tứ.
    Theo luật Ma-ha Tăng-kì 27, ngày 15 tháng 7 từ ngày Tự tứ.
    Theo Ðại Đuờng Tây Vực Kí 2, 8, thời gian an cư là ngày 16 tháng 5 dến ngày 15 tháng 8.
   
    II.  Chủng loại an cư.
    Có 2 loại :
    1. Tiền an cư, hậu an cư : Tiền an cư là bắt đầu từ ngày 16 tháng 5, hậu an cư thì bắt đầu từ ngày 16 tháng 6.
    2. Tiền an cư, trung an cư, hậu an cư : Tiền an cư là bắt đầu từ ngày 16 tháng 4, trung an cư thì bắt đầu từ ngày 17 tháng 4 cho đến ngày 15 tháng 5, hậu an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 5.
    Ngoài ra, Ðại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương 2, dẫn kinh Niết-bàn : Chia một ngày trong khi kiết chế làm 5 phần, là y theo hành sự trong một ngày của Đức Phật, như : Buổi sáng đắp y ra ngoài khất thực giáo hóa cho đến thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo và chư thiên, thiện thần nghe.
    Ngày đầu an cư gọi là Kiết hạ. Ngày kết thúc viên mãn gọi là Giải hạ, Quá hạ, Hạ cánh, Hạ mãn, Hạ giải, An cư cánh. Giữa kỳ kiết hạ và giải hạ, gọi là Bán hạ (nửa hạ).
    Theo Kiền-độ Ca-hi-na luật Tứ Phần 43, khi kết thúc an cư phải thi hành 4 việc là: Tự tứ, giải giới, kiết giới và thụ công đức y. Sau khi an cư viên mãn, đại chúng xét lại hành vi của mình trong thời gian an cư, nếu có tội thì tự bày tỏ tội của mình, sám hối lẫn nhau, gọi là Tự tứ. Ngày tự tứ gọi là Tự tứ nhật, Phật hoan hỉ nhật. Khi kết thúc an cư, phải giải trừ cương giới quy định gọi là Giải giới. Sau khi an cư viên mãn, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni được tăng thêm một Pháp lạp. Pháp lạp còn gọi là Hạ lạp, là phép tắc chuẩn định thứ lớp lớn nhỏ của người xuất gia.
    Thông thuờng tổ chức an cư vào mùa hạ, nhưng cũng có kiết chế an cư vào mùa đông, gọi là Ðông an cư. Trung quốc, các địa phương ở Tây Vực và Nhật Bản đều có pháp Ðông an cư.
    Theo Yết-sương-na Quốc, Ðại Đuờng Tây Vực Kí 1, ngày 16 tháng 12 là ngày đầu của Ðông an cư, ngày 15 tháng 3 năm sau là ngày kết thúc. Pháp an cư ở Trung Quốc bắt đầu vào thời Dao Tần, vì lúc ấy có chuyển dịch luật Thập Tụng và Quảng Luật. Cả 2 bộ luật này đều giải thích tỉ mỉ về tác pháp an cư, nên tăng chúng ở Trung Quốc y theo đó mà thực hành kiết hạ. Ngoài ra, như Tân Lập Luật Lai Hán Địa Tứ Bộ Tự Lục trong Xuất Tam Tạng Kí Tập 3, Quảng Hoằng Minh Tập  24 đều có ghi sự tích tăng chúng Trung Quốc kiết chế an cư.
     Quy chế an cư ở Trung quốc tuy kế thừa Ấn Độ, nhưng vì cá tính của nhân dân và phong thổ sai khác, nên không hoàn toàn theo tác pháp ở Ấn Độ mà có thay đổi một vài điểm cho thích hợp.
    Theo điều Tứ Hạ Lạp, Ðại Tống Tăng Sử Lược, hạ, từ thời Trung Ðường cho đến thời Ngũ Đại, có những việc chưa y theo hành nghi an cư mà vẫn được vua ban thêm tuổi hạ.
    Ngoài ra pháp an cư ở Trung Quốc cũng có thuyết tùy ý tùy xứ mà thực hành, tức cho rằng : Tùy chỗ tu hành có thể tác pháp an cư và không hạn cuộc thời gian an cư, nên hành sự trong suốt 1 năm, không xem việc an cư trong 3 tháng là việc cần phải làm.
    Theo chương Nguyệt Phân Tu Tri, Bách Trượng Thanh Qui, mỗi tháng đều có các hành sự nhưng không có mục an cư.
    Theo điều Giải Hạ Thảo, Thích Thị Yếu Lãm, hạ, ngày tự tứ, các vị Tỳ-kheo ở Ấn Độ phải lấy cỏ kiết tường làm tòa ngồi mà tự tứ. Phong tục này truyền đến Trung Quốc thì có sự thay đổi, như vị tăng ở vùng Giang Nam, đời Tống, vào ngày giải hạ thì lấy cỏ tranh tặng cho đàn-việt.
    Quy chế an cư ở Nhật Bản lưu hành đã lâu, vào khoảng đồng thời với lễ tắm Phật, hội Vu-lan-bồn từ Trung Quốc truyền sang. Trong thời gian an cư, cũng có tổ chức giảng kinh, gọi là Hạ kinh. Trong mùa an cư vào thời Bình An, ngoài việc giảng kinh, còn chép kinh, gọi là Hạ thư. Ngày giải hạ, đem Hạ thư cất vào tự xá, gọi là Hạ thư nạp, Hạ giải nạp. Thời gian an cư ở yên trong tự xá gọi là Hạ lang. Nhà ẩn cư gọi là Hạ đường. Trong lúc an cư tu hành niệm Phật, gọi là Hạ niệm Phật. Vị tăng kiết hạ an cư gọi là Hạ tăng. Trong thời gian an cư, tránh thức ăn bất tịnh, gọi là Hạ đoạn.
    Quy chế an cư tại Nhật Bản được tổ chức vào 2 mùa : mùa hạ và mùa đông. Về hình thức thì nay đã thay đổi rất nhiều, nhưng vẫn được cử hành long trọng. Trong đó, nhất là Thiền tông, đặc biệt xem trọng việc tác pháp an cư. Cứ mỗi năm, từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 15 tháng 7 là thời gian Hạ an cư, từ ngày 15 tháng 10 đến ngày 15 tháng 3 năm sau là thời gian Ðông an cư. 

Ác nhân


          Người bất thiện, tức là người mà 3 nghiệp thân, khẩu, ý, thường gây tạo những việc ác, nhất là không tin nhận chân lí Phật giáo.
         Theo phẩm Phương Tiện, Kinh Pháp Hoa 1, người ác ở trong đời vị lai, tuy nghe Phật nói pháp Nhất thừa, nhưng vì mê hoặc không tín thụ, phá hoại chính pháp bị đọa vào đường ác.
    Trong  Quán Niệm Pháp Môn, ngài Thiện Đạo nêu ra 5 hạng người có tính ác:
1. Hủy báng việc đúng, làm điều xằng bậy
2. Hủy báng việc chính, làm điều tà vạy.
3. Hủy báng điều phải, làm điều sai quấy.
4. Hủy báng điều thật, làm điều hư dối.
5. Hủy báng việc lành, làm điều hung dữ.

           Kinh Phạm Võng, hạ Bồ-tát Giới Nghĩa Sớ, hạ : Quở trách nghiêm khắc những người ác, gọi những người không thụ giới bồ-tát đều là người ác, là súc sinh, như gỗ đá không có tâm hiểu biết.
          Tịnh Độ giáo Nhật Bản, có thuyết cứu độ đối với người ác, như Tịnh Độ Chân tông, gọi người ác là “Ác nhân chính cơ”, chủ trương người ác là hạng căn cơ chính yếu được tiếp độ, tức là đối tượng nhiếp hóa của Phật A-di-đà.