Theo Bí Tạng Kí, phần cuối, liệt kê chữ Án có 5 nghĩa : quy mạng, cúng dường, tam thân, cảnh giác và nhiếp phục; nhưng thông thường chỉ dùng 3 nghĩa truớc.
Chữ Án, do ba chữ (a), (u), (ma) hợp thành. A có các nghĩa: Bồ-đề tâm, các pháp môn, vô nhị, các pháp quả, tính, tự tại, cũng có nghĩa là pháp thân. U nghĩa là báo thân; Ma nghĩa là hóa thân. Hợp 3 chữ này thành chữ Án, hàm nhiếp vô biên nghĩa, nên đứng đầu tất cả đà-la-ni.
Mật giáo không những dùng hình thức thần chú, lại còn bao gồm mọi cách giải thích. Trong các câu chú, những câu có chữ Án đứng đầu rất nhiều, như Ðại Nhật Chân Ngôn: “Án a-tì-la hồng-khiếm ta-bà-ha”, Lục tự minh chú của Lạt-ma giáo ở Tây Tạng: “Án ma ni bát di hồng” cũng dùng hình thức này. Nếu tu quán chữ Án này thì tam thân Phật hiện gia trì và ủng hộ hành giả, nhờ công đức này mà hành giả thành tựu Vô thuợng Chính đẳng Chính giác.
Vì chữ Án do ba chữ (a, u, ma) hợp thành cho nên trong tu tưởng Ấn Độ thời cổ đại, Án tiêu biểu 3 tính : nam, nữ, trung, hoặc biểu thị ba thời : quá khứ, hiện tại, vị lai; lại phối với ba Phệ dà (Veda) hoặc phối hợp với ba trạng thái : thức, mộng, ngủ mê; hoặc phối hợp với 3 loại : hỏa, phong, mặt trời; hoặc phối hợp với: thực, thủy, nguyệt; hoặc phối hợp với: thiên, không, địa. Về sau, Ấn Độ giáo lại so sánh chữ Án với ba thứ: Tì-thấp-nô (Phạn: Visnu), Thấp-bà (Phạn: Siva), Phạm (Phạn: Bràhman), cũng chính là 3 vị thần một thể (Phạn: Trimarti) chuyên quản lý việc hộ trì, phá hoại, sáng tạo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét