Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Áo nghĩa thư

   
    Phạn: Upanisad.
    Dịch âm: Ưu-ba-ni-sa-độ.
    Sách triết học của Ấn Độ. Nội dung ghi giáo nghĩa bí huyền giữa thầy và trò, nên gọi là Áo Nghĩa Thư, sách viết bằng chữ Phạn, ghi chép, tường thuật những tư tưởng nguyên gốc của triết học Ấn Độ.
    Tôn giáo ở Ấn Độ bắt nguồn từ những bài tán tụng trong kinh Veda. Sau đó, để thuyết minh cách sử dụng tán tụng và nghi thức tán tụng của kinh này mà người ta biên tập Phạm Thư, trong đó có chương A-lan-nhã-ca (Phạn: Àranyaka). Lời giảng trong chương này mầu nhiệm sâu xa, lấy nghĩa từ những người trốn đời trong rừng rậm đọc tụng mà gọi là Sâm Lâm Thư.  Áo Nghĩa Thư chủ yếu giải thích tư tưởng triết học của chương này, nó hàm chứa ý nghĩa rốt ráo của toàn kinh Veda. Áo Nghĩa Thư vốn là bộ phận sau cùng của Veda, về sau theo cách nhìn mới, người ta phát huy rộng ý nghĩa cứu cánh của Veda mà biên tập thành kinh Vedanta.
    Áo Nghĩa Thư chứa đựng tư tưởng triết học cội nguồn của Ấn Độ, do vậy bộ sách này rất được xem trọng và trở thành chổ y cứ cho các phái triết học đời sau.
    Hiện nay còn có hơn 200 bản truyền lại của 13 loại kinh Áo Nghĩa Thư gọi chung là Áo Nghĩa Thư cổ đại, được coi là Văn học thiên khải (Phạn: Sruti), hoàn thành vào khoảng năm 800-600 trước Tây lịch.
    Mười mấy thế kỉ sau đó, nó vẫn được tiếp tục soạn thêm, gọi là Tân Áo Nghĩa Thư, cho nên thể văn của Áo Nghĩa Thư có thể chia làm 3 loại : Tản văn cổ, tản văn và tản văn mới.
    Các loại kinh Áo Nghĩa Thư cổ đại đều không phải cùng một tác giả, do đó, có nhiều tư tưởng cũ mới xen nhau, thiếu sự tập trung vào một chủ đề chính và thiếu sự thống nhất. Thực tế, người biên soạn Áo Nghĩa Thư không ai khác hơn là các vị Bà-la-môn kế tiếp nhau trong nhiều đời, cho nên về sau người ta phải tốn nhiều năm để biên tập lại thành một bộ sách gồm nhiều thiên thống nhất về tư tưởng và hình thức. Ngoài ra, có thể nói, Áo Nghĩa Thư là tượng trung cho tư tưởng xem trọng trí thức bên cạnh chủ nghĩa vạn năng tế tự của Veda, tạo ra cơ hội thuận tiện thúc đẩy Phật giáo hưng khởi.
    Tư tuởng cốt lỏi, xuyên suốt toàn bộ  Áo Nghĩa Thư, cho rằng : Phạm (bản thể của đại vũ trụ) và Ngã (bản chất cá nhân) là đồng một thể (Phạm Ngã đồng nhất). Đây là nguyên lí căn bản của vũ trụ vạn hữu và cũng là quan niệm của Nhất nguyên luận. Căn cứ vào nguyên lí căn bản này thì sự sinh khởi, phát triển và hủy diệt của vạn sự vạn vật ắt phải theo một quy luật nhất định. Mạng sống của con người là do nơi Nghiệp, tùy theo hành vi đạo đức và quả báo thiện ác của con người khiến cho chúng sinh luân hồi, từ đó phát triển thành tư tưởng chuyển sinh luân hồi. Nhờ trải qua thiền định và khổ hạnh để nhận thức chân lí “Phạm Ngã nhất như”, tức giải thoát sự trói buộc sinh tử luân hồi, đạt đến cảnh giới Phạm (Phạn: Brahma-loka) thường trụ bất diệt, đây là mục đích cao nhất của nhân sinh. Tư tưởng này chỉ rõ tất cả hiện tượng giới đều là hư vọng, chỉ có "Phạm" là thực tại duy nhất, và cho "Phạm, Ngã" là đại biểu cho hai mặt Tâm và Vật mà sinh thành ra vũ trụ vạn vật.
    Do tư tưởng này, trong triết học Ấn Độ cổ đại, sinh ra các hệ phái Hữu thần luận.
    Sách này có rất nhiều bản dịch, bản dịch cổ nhất là bản dịch tiếng Ba Tư, sau đó được dịch ra các thứ tiếng: La-tinh, Ðức, Anh, Nhật và Trung Quốc. Sách này cũng đã được dịch sang tiếng Việt với tựa là "Dưới Chân Thầy".

Related Posts:

  • Áo nghĩa thư         Phạn: Upanisad.     Dịch âm: Ưu-ba-ni-sa-độ.     Sách triết học của Ấn Độ. Nội dung ghi giáo nghĩa bí huyền giữa thầy và trò, nên gọi là Áo Nghĩa Thư, sá… Read More

0 nhận xét:

Đăng nhận xét