Phạn: Vàrsika, varsa.
Pàli: Vassa.
Dịch ý : Vũ kì.
Còn gọi : Hạ an cư, Vũ an cư, Tọa hạ, Hạ tọa, Kết hạ, Tọa lạp, Nhất hạ cửu tuần, Cửu tuần cấm túc, Kết chế an cư, Kết chế.
Chư tăng cùng nhau tụ họp về một trú xứ trong 3 tháng để chuyên tâm gắng sức tu hành. Một trong những quy định trong giới luật của Phật giáo.
Mùa hạ ở Ấn Độ, mưa kéo dài đến 3 tháng, nếu ra ngoài, sợ giẫm chết côn trùng và mầm chồi cỏ cây mới mọc trên mặt đất khiến nguời đời cười chê, nên trong khoảng thời gian 3 tháng này, người xuất gia không được đi ra ngoài mà phải ở chung lại một chỗ, để gắng sức tu hành, gọi là an cư.
Tứ Phần Luật San Bổ Tùy Cơ Yết-ma Sớ 4, giải thích nghĩa an cư như sau: Thân tâm đều tĩnh lặng, gọi là an; quy định thời gian ở một chổ, gọi là cư.
Pháp an cư lúc đầu do Bà-la-môn giáo thời cổ đại ở Ấn Độ thực hành, về sau được Phật giáo chọn dùng.
Kinh Du hành trong Truờng A-hàm 2, Phật Bản Hạnh Tập Kinh 39, đều có chép sự tích Đức Thích Tôn và đệ tử an cư tu hành.
Tăng-già-la-sát Sở Tập Kinh, hạ, liệt kê các địa danh mà Đức Thích Tôn kiết hạ trong khoảng thời gian 45 năm.
Sau khi Đức Thích Tôn thành đạo, cùng với các đệ tử tổ chức an cư lần thứ nhất. Về lần an cư này, các kinh điển ghi chép khác nhau, nhưng số đông đều cho vườn Lộc Đã là nơi trụ xứ an cư lần đầu tiên.
Theo Thiện Kiến Luật Tì-bà-sa 3, ngài Ma-sẩn-đà con vua A dục, cùng với các tỳ-kheo kiết hạ 3 tháng ở Ca-na-ca (Phạn: Kantaka) núi Chi-đế-đa (Pàli: Cetiyagiri) thuộc nước Sri Lanka (Tích lan hiện nay). Ðến nay, các nước Phật giáo phương Nam như Tích Lan, Miến Điện.... vẫn y cứ theo luật đã qui định mà tác pháp an cư.
Theo luật Thập Tụng 28 : Năm chúng xuất gia là tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-ni, Sa-di, sa-di-ni đều phải an cư. Hai chúng tại gia: Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thì có thể không an cư. Trong năm chúng xuất gia, Tỳ-kheo và Sa-di an cư tu hành cùng một chỗ. Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-ni và Sa-di-ni an cư tu hành cùng một chỗ. Đại Phẩm Nhập Vu An Cư Kiền-độ trong luật Tạng Pàli (Vassupanàyika -
kkhandhaka) qui định : Tỳ-kheo không an cư thì phạm tội ác tác (Đột-kiết-la, Pàli:
Dukkata).
1. Các quy định về an cư.
Theo An Cư Kiền-độ trong luật Tứ Phần 37, quy định như sau: An cư dưới cội cây, trong thất nhỏ, trong hang núi, bộng cây, trên thuyền, nơi làng xóm hoặc có thể nương theo người chăn trâu, người ép dầu, người đốn cây.
Pháp An Cư trong Luật Ngũ Phần 19: Cấm an cư ở nơi không có người cứu hộ, như gò mã, nơi cây không có tàng, nhà lợp bằng da thú, chỗ đất trống. Trước khi an cư, phải sửa sang phòng xá, phân phối phòng xá và những vật cần dùng cho đại chúng một cách công bằng.
2. Thời hạn an cư.
Theo điều Sàng Nhục Pháp trong luật Ma-ha Tăng-kì 27, nếu địa điểm an cư gần thì có thể phân phối vào ngày rằm tháng 4, nếu xa hoặc số người an cư quá đông phải dời đến một nơi khác để an cư thì được phân phối vào ngày 13 tháng 4. Khi vào an cư, phải thưa rõ ý chí kiết chế an cư đối với người mà mình nương tựa (Tỳ-kheo có đức) mới được vào an cư, gọi là đối thủ an cư. Nếu không có người nương tựa thì trong tâm tự nêu rõ ý chí kiết chế an cư để vào an cư, gọi là Tâm niệm an cư.
Trong thời gian an cư, cấm ra ngoài, nếu trái sự qui định này thì phạm tội Ác tác. Nhưng theo luật Tứ Phần 37, nếu đi mà trở về cùng trong ngày hoặc có duyên sự đặc biệt, Tăng chúng cho phép thì cũng được ra ngoài, nhưng chỉ giới hạn trong vòng 7 ngày hoặc 15 ngày mà thôi, phương pháp này gọi là Thất nhật pháp, Thụ nhật pháp.
Ngoài ra, nếu vi phạm qui định ra khỏi cương giới thì phạm tội Ác tác, gọi là Phá an cư, Phá hạ, sẽ mất tư cách tiếp nhận vật cúng dường được phân phối trong lúc an cư. Nếu vì tránh các chuớng nạn: Thú dữ, rắn độc, lửa cháy, nước cuốn, vua bạo ngược, giặc cướp, thiếu lương thực, kỷ nữ và thân tộc hoặc vì hòa giải các duyên sự phá tăng thì được rời khỏi chổ an cư mà không phạm tội. Thời gian an cư thông thường là 9 tuần (90 ngày).
Theo Tứ Phần Luật San Phồn Bổ Khuyết Hành Sự Sao, thượng, phần 4, ngày 16 tháng 4 là ngày đầu an cư, ngày 15 tháng 7 là ngày kết thúc an cư, ngày hôm sau (ngày 16) là ngày Tự tứ.
Theo luật Ma-ha Tăng-kì 27, ngày 15 tháng 7 từ ngày Tự tứ.
Theo Ðại Đuờng Tây Vực Kí 2, 8, thời gian an cư là ngày 16 tháng 5 dến ngày 15 tháng 8.
II. Chủng loại an cư.
Có 2 loại :
1. Tiền an cư, hậu an cư : Tiền an cư là bắt đầu từ ngày 16 tháng 5, hậu an cư thì bắt đầu từ ngày 16 tháng 6.
2. Tiền an cư, trung an cư, hậu an cư : Tiền an cư là bắt đầu từ ngày 16 tháng 4, trung an cư thì bắt đầu từ ngày 17 tháng 4 cho đến ngày 15 tháng 5, hậu an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 5.
Ngoài ra, Ðại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương 2, dẫn kinh Niết-bàn : Chia một ngày trong khi kiết chế làm 5 phần, là y theo hành sự trong một ngày của Đức Phật, như : Buổi sáng đắp y ra ngoài khất thực giáo hóa cho đến thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo và chư thiên, thiện thần nghe.
Ngày đầu an cư gọi là Kiết hạ. Ngày kết thúc viên mãn gọi là Giải hạ, Quá hạ, Hạ cánh, Hạ mãn, Hạ giải, An cư cánh. Giữa kỳ kiết hạ và giải hạ, gọi là Bán hạ (nửa hạ).
Theo Kiền-độ Ca-hi-na luật Tứ Phần 43, khi kết thúc an cư phải thi hành 4 việc là: Tự tứ, giải giới, kiết giới và thụ công đức y. Sau khi an cư viên mãn, đại chúng xét lại hành vi của mình trong thời gian an cư, nếu có tội thì tự bày tỏ tội của mình, sám hối lẫn nhau, gọi là Tự tứ. Ngày tự tứ gọi là Tự tứ nhật, Phật hoan hỉ nhật. Khi kết thúc an cư, phải giải trừ cương giới quy định gọi là Giải giới. Sau khi an cư viên mãn, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni được tăng thêm một Pháp lạp. Pháp lạp còn gọi là Hạ lạp, là phép tắc chuẩn định thứ lớp lớn nhỏ của người xuất gia.
Thông thuờng tổ chức an cư vào mùa hạ, nhưng cũng có kiết chế an cư vào mùa đông, gọi là Ðông an cư. Trung quốc, các địa phương ở Tây Vực và Nhật Bản đều có pháp Ðông an cư.
Theo Yết-sương-na Quốc, Ðại Đuờng Tây Vực Kí 1, ngày 16 tháng 12 là ngày đầu của Ðông an cư, ngày 15 tháng 3 năm sau là ngày kết thúc. Pháp an cư ở Trung Quốc bắt đầu vào thời Dao Tần, vì lúc ấy có chuyển dịch luật Thập Tụng và Quảng Luật. Cả 2 bộ luật này đều giải thích tỉ mỉ về tác pháp an cư, nên tăng chúng ở Trung Quốc y theo đó mà thực hành kiết hạ. Ngoài ra, như Tân Lập Luật Lai Hán Địa Tứ Bộ Tự Lục trong Xuất Tam Tạng Kí Tập 3, Quảng Hoằng Minh Tập 24 đều có ghi sự tích tăng chúng Trung Quốc kiết chế an cư.
Quy chế an cư ở Trung quốc tuy kế thừa Ấn Độ, nhưng vì cá tính của nhân dân và phong thổ sai khác, nên không hoàn toàn theo tác pháp ở Ấn Độ mà có thay đổi một vài điểm cho thích hợp.
Theo điều Tứ Hạ Lạp, Ðại Tống Tăng Sử Lược, hạ, từ thời Trung Ðường cho đến thời Ngũ Đại, có những việc chưa y theo hành nghi an cư mà vẫn được vua ban thêm tuổi hạ.
Ngoài ra pháp an cư ở Trung Quốc cũng có thuyết tùy ý tùy xứ mà thực hành, tức cho rằng : Tùy chỗ tu hành có thể tác pháp an cư và không hạn cuộc thời gian an cư, nên hành sự trong suốt 1 năm, không xem việc an cư trong 3 tháng là việc cần phải làm.
Theo chương Nguyệt Phân Tu Tri, Bách Trượng Thanh Qui, mỗi tháng đều có các hành sự nhưng không có mục an cư.
Theo điều Giải Hạ Thảo, Thích Thị Yếu Lãm, hạ, ngày tự tứ, các vị Tỳ-kheo ở Ấn Độ phải lấy cỏ kiết tường làm tòa ngồi mà tự tứ. Phong tục này truyền đến Trung Quốc thì có sự thay đổi, như vị tăng ở vùng Giang Nam, đời Tống, vào ngày giải hạ thì lấy cỏ tranh tặng cho đàn-việt.
Quy chế an cư ở Nhật Bản lưu hành đã lâu, vào khoảng đồng thời với lễ tắm Phật, hội Vu-lan-bồn từ Trung Quốc truyền sang. Trong thời gian an cư, cũng có tổ chức giảng kinh, gọi là Hạ kinh. Trong mùa an cư vào thời Bình An, ngoài việc giảng kinh, còn chép kinh, gọi là Hạ thư. Ngày giải hạ, đem Hạ thư cất vào tự xá, gọi là Hạ thư nạp, Hạ giải nạp. Thời gian an cư ở yên trong tự xá gọi là Hạ lang. Nhà ẩn cư gọi là Hạ đường. Trong lúc an cư tu hành niệm Phật, gọi là Hạ niệm Phật. Vị tăng kiết hạ an cư gọi là Hạ tăng. Trong thời gian an cư, tránh thức ăn bất tịnh, gọi là Hạ đoạn.
Quy chế an cư tại Nhật Bản được tổ chức vào 2 mùa : mùa hạ và mùa đông. Về hình thức thì nay đã thay đổi rất nhiều, nhưng vẫn được cử hành long trọng. Trong đó, nhất là Thiền tông, đặc biệt xem trọng việc tác pháp an cư. Cứ mỗi năm, từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 15 tháng 7 là thời gian Hạ an cư, từ ngày 15 tháng 10 đến ngày 15 tháng 3 năm sau là thời gian Ðông an cư.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét