Dịch âm; Mẫu-nại-la, Mộ-nại-la, Mẫu-đà-la, Mâu-đà-la, Mục-đà-la.
Những hình tướng được tạo thành bởi 1 hay 2 tay và các ngón tay hoặc các vật mà chư tôn cầm, cho đến nới rộng ra là tất cả các động tác của tay chân dùng để biều thị cho nội chứng tam-muội và ngoại tướng bản thệ của Phật, Bồ-tát, Thiên bộ trong hải hội Mạn-đồ-la. Hoặc chỉ riêng thủ ấn của người tu hành Kiết để tương ứng với bản thệ của chư tôn hầu thâm nhập cảnh giới Tam mật (Thân mật, khẩu mật và ý mật).
Ấn, có nghĩa là Tin, gồm 3 tính chất : Ấn khả quyết định, quyết định không thay đổi, phù hiệu.
Hiển giáo phần nhiều dùng Ấn tướng theo 3 nghĩa : Ấn chương, Nại ấn, Ấn khả. Trong Mật giáo, chữ Ấn theo nghĩa rộng là Ðại mạn-đồ-la, Tam-muội-da mạn-đồ-la, Pháp mạn-đồ-la, Yết-ma mạn-đồ-la, vì lẽ 4 mạn-đồ-la này đều là phù hiệu của pháp giới. Nói theo nghĩa hẹp thì chỉ có Tam-muội-da mạn-đồ-la là Thân mật trong Tam mật, là Thân Tam-muội-da của chư tônrong 4 mạn-đồ-la. Trong tất cả kinh sách của Mật giáo, Ấn khế hay Ấn tướng phần nhiều chỉ dùng theo nghĩa hẹp này.
Truớc Mật giáo ở Ấn Độ thường dùng ấn khế như :
- Thí vô úy ấn: Tay mặt mở, lòng bàn tay hướng ra ngoài đưa cạnh vai.
- Chuyển pháp luân ấn: để hai tay ở bên ngực, bàn tay mặt với bàn tay trái ngược nhau, các ngón tay trái và phải tiếp xúc nhẹ với nhau.
- Xúc địa ấn: Ngồi, tay măt thòng xuống đất, còn gọi là "Hàng ma ấn" hay "Phá ma ấn", là tuớng ấn lúc Đức Phật thành đạo.
- Thiền định ấn: Năm ngón của cả hai tay đều duỗi thẳng, tay trái chồng lên tay mặt, là tướng biểu thị mặc tưởng tư duy, còn gọi là Định Pháp giới.
- Thí nguyện ấn: Tay mặt ngay ra, lòng bàn tay hướng ra ngoài, còn gọi là Dữ nguyện ấn, Thí dữ ấn (ấn ban cho).
Ấn khế của Mật giáo rất nhiều, thông thường lấy 6 kiểu nắm tay và 12 kiểu chắp tay để làm ấn căn bản (ấn mẫu). Trong các pháp tu, phần nhiều lấy 18 khế ấn làm ấn tướng cơ bản trong lúc quán pháp.
I. Chủng loại của Ấn tướng.
Theo phẩm Bản Tôn Tam-muội trong kinh Ðại Nhật 6, Ðại Nhật Kinh Sớ 20, Ấn tướng có thể chia ra như sau :
1. Hữu tướng (hữu hình): Phân biệt các tướng mà trụ một tướng. Có thể phân làm 2 loại:
a. Thủ ấn (ấn nơi tay): Ấn mà chư tôn trì thủ, như là "Ấn Trí quyền" của Ðại Nhật Như Lai nơi Kim Cương giới, "Ấn pháp giới định" của Ðại Nhật Như Lai nơi Thai tạng giới.
b. Khế ấn: Khí cụ mà chư tôn cầm, cũng tức là những hình tam-muội-da như gậy, đao kiếm, hoa sen của Đức Quán Âm, kiếm bén của Đức Văn-thù..v...v...
2. Vô tuớng (vô hình): Không thiên chấp một tướng nào mà đủ tất cả các tướng, cũng như giơ tay, duỗi chân đều là cảnh giới mật ấn. Ấn tướng vô tướng này khế hợp được nghĩa thật của ấn tướng, là ấn bí mật sâu xa trong chỗ bí mật sâu xa.
II. Phân biệt giữa Thủ ấn và Khế ấn.
Nếu kiết ấn nơi tay gọi là Thủ ấn; ấn tướng được vẽ ra gọi là Khế ấn. Nói đến nghĩa sâu kín thì Thủ ấn là ấn tướng mà chư tôn với người tu hành đã kiết; còn Khế ấn là chỉ hình tam-muội-da của chư tôn lấy Tam-muội-da trong 4 thứ Mạn-đồ-la làm ấn.
Trong Mật giáo, dùng 2 tay và 10 ngón kiết thành ấn đều có cách gọi riêng, hầu hết gọi hai tay là hai cánh tay; hai bàn tay là Nhật nguyệt chưởng; mười ngón gọi là Thập độ (10 Ba-la-mật), 10 luân, 10 hoa sen, 10 pháp giới, 10 chân như, 10 ngọn núi. Lai lấy hai tay phối hợp với Kim cương giới và Thai tạng giới hoặc sánh với định và huệ hoặc so với lí và trí..v..v... còn 5 ngón thì phối hợp với năm uẩn, năm Phật đảnh, năm căn, năm tự, năm đại v.v...
Mười ngón tay phối tự với thập độ như đồ biểu.
Tay mặt : Mặt trời, quán, huệ trí, thật, hiến, ngoại, Bát-nhã, bí niệm, Kim Cương giới.
Trên đây phối 5 ngón tay với ngũ đại là căn cứ theo phẩm Mật ấn trong kinh Đại Nhật 4. Còn 10 ngón phối hợp với thứ tự thập độ thì có 2 thuyết :
Thuyết thứ nhất : Theo kinh luận của hai ngài Kim Cương Trí và Thiện Vô Úy dịch cũng giống như thập độ (1) được phối hợp ở trên.
Thuyết thứ hai : Theo kinh luận của ngài Bất Không dịch thì như thập độ (2) được phối hợp ở trên.
Ấn tướng biểu thị sự nội chứng và bản thệ của chư tôn. Cho nên, do sự co duỗi một ngón tay kiết ấn có thể làm chấn động pháp giới và phàm thánh đồng hội lại. Mười ngón tay tiêu biểu cho 10 pháp giới, là tổng thể của mạn-đồ-la, cho nên, mười ngón tay co duỗi, hợp lại có thể kiết thành gì đó. Phàm phu chúng sinh tuy chưa đoạn trừ được phiền não, nhưng sức dùng ấn tướng cũng ngang như sức thánh, có thể sai khiến được hiền thánh, chư thiên, quỉ thần. Công lực của mật ấn có thể làm cho minh vương, thiện thần, hộ pháp đến bên người tu hành để hộ trì và giúp thành tựu điều nguyện.
Vì công dụng của ấn tướng rất lớn, nên lúc kiết ấn (bắt ấn) phải cung kính, thận trọng. Người tu hành trước lúc kiết ấn phải được bậc thầy truyền dạy, nếu không thì chẳng những kiết ấn mất công dụng mà còn mắc trọng tội “Việt tam-muội-da”.
Ngoài ra, để phòng ngừa sự nhiễu loạn của quỉ thần, ác ma, khi kiết ấn nên dùng ca-sa, khăn sạch, chéo áo hoặc tay áo che lại. Thêm nữa, ấn tướng cũng là động tác của thân thể hành sự uy nghi như : Ấn thuyết pháp là lấy tay huơ động kiết ấn để giúp việc thuyết minh; Định ấn (ấn để nhập định) là lấy hai tay đặt trên chân, ngồi kiết-già, để giúp cho sự an định của tâm.
Lúc ban đầu, ấn tướng chưa có qui tắc cố định. Sau khi Mật giáo hưng khởi, theo sự hành trì của Ấn Độ giáo mới có lý thuyết về ấn tướng và giải thích ý nghĩa cùng lợi ích của ấn tướng. Ấn tướng, do thời gian thành lập trước sau không thống nhất và sự truyền thừa ở Ấn Độ, Népal, Trung Quốc không giống nhau mà Ấn căn bản của chư tôn trong mạn-đồ-la Kim Cương giới và Thai tạng giới cũng bất nhất, nghi thức kiết ấn theo pháp tu hành cũng khác nhau đến ấn tướng nhiều không kể xiết.
Hiện nay, có những ấn tướng chính của chư Phật và Bồ-tát là : Trí Quyền Ấn của Ðại Nhật Như Lai trong Kim Cương giới, Pháp giới Định Ần của Ðại Nhật Như Lai trong Thai tạng giới, Lực Đoan Định Ấn còn gọi là A-di-đà Định Ấn của Đức Phật A-di-đà và một số ấn mà chư Phật dùng để tiếp dẫn như : An úy ấn, Thí vô úy ấn, Dữ nguyện ấn, Cát tuờng ấn, Hiệp chưởng ấn v.v...
Ngoài ra, đối với cùng một vị Phật hay Bồ-tát mà ấn tướng Hiển giáo và ấn tướng của Mật giáo cũng có lúc không đồng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét