Sau khi thành đạo, Đức Phật chuyển pháp luân độ 5 anh em Kiều-trần-như, mở đầu cho sự thịnh hành Tăng đoàn Phật giáo. Trong Tăng đoàn, Phật ấn định phương thức sinh hoạt lí tưởng, lấy pháp Tứ y làm chuẩn tắc cho nếp sống :
1. Thường hành khất thực: Mỗi ngày trước giờ Ngọ đi khất thực để nuôi sống.
2. Trước phấn tảo y: Mặc loại y được may bằng thứ vải lấy từ mồ mã, nghĩa địa hoặc đống rác.
3. Y thụ hạ tọa: Ngồi nơi gốc cây.
4. Dụng trần khí dược: Trần khí duợc là thuốc chế từ động vật bài tiết hoặc từ những thứ thuốc phế bỏ; khi Tỳ-kheo bệnh thì dùng thuốc này.
Tỳ-kheo theo 4 pháp này mà tu hành thì dứt được tham ái, cuộc sống không còn chấp trước.
Pháp Tứ y cho thấy rằng sự phân phối quyền lợi trong Tăng đoàn là bình đẳng; cùng được cùng chia, đó là nguyên tắc. Lợi hòa đồng quân. Sau khi Phật độ đồng tử Da-du-già, được cha của đồng tử đón mời cúng dường và dâng y; Phật còn được vua Tần-bà-sa-la cúng dường Trúc Viên. Từ đây Phật cho phép các cư sĩ tạo lập giảng đường, tăng phòng, cúng dường ruộng vườn cây trái. Do đó nếp sinh hoạt của Tăng đoàn từ việc khất thực ban đầu diễn biến dần đến việc được mời thỉnh, nhận sự cúng dường; từ "Trước phấn tảo y" trở thành sự “thụ y”, v.v...Qui định về sinh hoạt của đoàn thể Tăng già, trong Kiền-đồ cũng có trình bày rõ ràng tỉ mỉ : Sau khi Phật nhập Niết-bàn, Trưởng lão của Giáo đoàn đem các nghi thức tác pháp trong Tăng đoàn như thụ giới, bố-tát, an cư....cùng với những điều quy định về sinh hoạt thường ngày, thêm vào việc phân loại, chỉnh lí mà lập thành nghi chế.
Trong đó, 3 nghi thức trọng yếu hơn cả là:
1. Tác pháp về tiến cụ: Qui định nghi thức xuất gia thụ giới Cụ túc.
2. Nghi thức bố-tát.
3. An cư.
Ngoài ra, vì ngăn ngừa tăng sĩ làm điều ác và vì duy trì trật tự cùng sự phát triển của Tăng đoàn để cho Phật pháp được bền vững, Đức Phật đã chế ra giới luật. Do có nhiều bộ phái khác nhau, nên luật cũng có 5 bộ khác nhau, nhưng phần cơ bản không ra ngoài 10 nghĩa, gọi là “Kiết giới thập nghĩa”.
Theo Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tì-nại-da 1 thì 10 nghĩa là:
1. Nhiếp thủ nơi tăng,
2. Khiến tăng hoan hỉ,
3. Khiến tăng lạc thú,
4. Hàng phục kẻ phá giới,
5. Nguời biết xấu hổ được an,
6. Không tin làm cho tin,
7. Làm tăng trưởng lòng tin của người,
8. Đoạn dứt hữu lậu trong hiện tại,
9. Đoạn dứt hữu lậu ở vị lai,
10. Làm cho phạm hạnh được bền vững.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét