Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Ấn Độ Phật giáo

       

          Phật giáo Ấn Độ được trình bày sơ lược từ thời Đức Phật cho đến các Bộ phái Phật giáo, phái Ðại thừa Trung quán, phái Đại thừa Du-già.

    I. Phật giáo Nguyên thỉ.
    Ðức Phật đản sinh năm 463 truớc Tây lịch ở thành Ca-tì-la-vệ (Phạn: Kapilavastu, Pàli: Kapilavatthu) ngày nay thuộc vùng biên giới Népal, 35 tuổi ngộ đạo, đến năm 383 trước Tây lịch thì nhập diệt. Sau khi Phật diệt độ, những điều Ngài chỉ dạy được các đệ tử kết tập lại. Phật giáo trong thời kì ấy được gọi là “Phật giáo Nguyên thỉ” hay “Phật giáo Căn bản”.
    Phần thuyết pháp của Phật, ban đầu chỉ được ghi nhớ thuộc lòng và truyền nhau đọc tụng, sau đó dùng chữ Pàli để ghi chép. Các kinh : Yếu Số Kinh Tập (Sutta-nipàta), Pháp Cú (Dhamma-pada), Như Thị Ngữ (Iti-vuttaka), Vô Vấn Tự Thuyết (Udàna)..v..v..và luật (Pàli:Vinaya) đều được ghi nhận là pháp của Đức Phật đã thuyết, nếu có lời văn của đệ tử Phật xen lẫn, cũng khó phân biệt được, cho nên gọi chung là “Phật giáo Nguyên thỉ”.
    Lập trường và tư tưởng của Phật giáo nguyên thỉ là nhận thức được cái “Khổ” ngay trong cuộc đời hiện thực này. Hiểu rõ cội nguồn của khổ là sự biến đổi vô thường, họ chủ trương tất cả sự vật hiện hữu đều không có "Ngã" chủ tể tồn tại, nên lập ra quan điểm “Vô ngã”. Họ chủ trương thế giới hiện tượng do Duyên khởi sinh ra không có chủ tể và lập ra pháp Thập nhị nhân duyên là để chứng minh đạo lí Duyên khởi. Đúc kết những điều nói trên mà có giáo thuyết Tứ đế và Bát chính đạo. Ngoài ra còn có giáo nghĩa Tam học là Giới, Định, Huệ; Tứ vô lượng tâm là Từ, Bi, Hỉ, Xả; Tứ thần túc, Ngũ phần pháp thân, Ngũ căn, Ngũ lực; Thất giác chi v.v...
    Tăng-già (Phạn, Pàli: Samgha) là một đoàn thể lấy các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni làm chính, cộng thêm cư sĩ nam, nữ tại gia để lập thành. Trong giới luật, Đức Phật đều có chế định tổ chức Tăng-già. Giáo đoàn không chấp nhận chế độ chủng tính ở Ấn độ. Vị Tỳ-kheo, dù xuất thân từ gốc tiện dân, nhưng giới lạp cao thì vẫn ở vị trí trên vị Tỳ-kheo xuất thân từ gốc vua chúa. Ngoài ra, Giáo đoàn cũng thường vì người tu tại gia mà giảng thuyết về bố thí, ngũ giới, các pháp về cõi trời...

    II. Phật giáo Bộ phái.
    Đức Phật nhập diệt chừng 100 năm sau (tức năm 283 trước Tây lịch), giáo đoàn Phật giáo chia thành 2 phái là Thượng Tọa bộ bảo thủ và Ðại Chúng bộ cách tân.
    Về sự phân chia này, theo tư liệu Phật giáo Bắc truyền cho là do ngài Ðại Thiên (Phạn: Mahàdeva) đề xuất ra học thuyết mới về 5 việc. Còn theo tư liệu Phật giáo Nam truyền của Ðảo Sử Tích-lan (Đảo Vương Thống Sử, Pàli: Dìpavamsa), (Ðại Vương Thống Sử, Pàli: Mahàvamsa) thì do Tỳ-kheo dòng Bạt Kì (Pàli: Vajjiput-taka) đề xướng học thuyết mới 10 việc.
   
    III. Bồ tát đoàn.
    Phật giáo Ðại thừa phát triển song song với Phật giáo bộ phái, sau kỷ nguyên Tây lịch. Trước đó, tín chúng tại gia đã tổ chức thành đoàn thể, cũng tức là Bồ-tát đoàn. Bồ-tát đoàn bắt đầu có từ khoảng thời gian vua A-dục trị vì (268-232 trước Tây lịch), lấy những tháp Phật (Stùpa: tháp thờ cúng di cốt của Phật) làm trung tâm, đoàn kết mà lập thành do việc lễ bái tháp Phật mà nảy sinh ra sự tín ngưỡng kiên định đối với Đức Phật, được "pháp lạc" tôn giáo sâu xa. Ðối lại với "Tăng-già" của các Tỳ-kheo, các tín chúng tại gia tự xưng là "Bồ-tát-đoàn" (Bodhisattva-gana).
    Chữ “Ðoàn” nguyên là tổ chức của các thương nhân phần đông là các nhà công thương nghiệp đô thị nên dùng chữ Đoàn để đặt tên. Ðoàn thể tín ngưỡng tháp Phật này về sau phát triển thành một bộ phận của giáo đoàn Phật giáo Ðại thừa.

    IV. Phật giáo Ðại thừa.
    Trong sự tín ngưỡng tháp Phật, Bồ-tát Đoàn ngoại trừ việc lễ bái, còn tiến thêm một bước nữa là hổ trợ việc biên tập kinh điển thuộc về giáo lý Đại thừa. Đầu tiên là hoàn thành việc biên tập kinh Tiểu phẩm Bát-nhã vào thế kỷ 1 trước Tây lịch; kinh Đại phẩm Bát-nhã hình thành vào thế kỷ 1 sau Tây lịch. Các kinh Đại thừa khác hình thành từ thế kỷ II đến thế kỷ IV sau Tây lịch.
    Tinh thần đoàn kết đại đồng này trở thành tinh thần căn bản của Phật giáo Ðại thừa. Lập trường tư tưởng của Phật giáo Ðại thừa là “không” (Phạn: Sùnyatà). Chữ Không theo nghĩa thông thường, nghĩa là không có gì. Vì nói đến bản thân của sự tồn tại thì cũng phải là việc thấy trước mắt mới có thể nắm lấy, ngoài ra không có cách nào khác. Nhưng Đại thừa cho rằng trong thế giới hiện tượng này không có một vật gì có thể chấp trước, trừ phi vật này có thể tự giữ chặt được, có thể tồn tại mãi được thì mới gọi là tồn tại chân chính. Trong Bát-nhã Tâm Kinh nói : “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”, là chỉ ý này. Sắc (Phạn: Rùpa), là chỉ cho vật chất hữu hình, ý nói hiện tượng tồn tại thông thường. Trong kinh Pháp Hoa, ngoài chủ trương về thuyết "Nhất thừa”, còn đưa ra tư tưởng “Nhị thừa thành Phật”. Nhị thừa là Thanh văn thừa và Duyên giác thừa mà cũng chỉ cho hàng Tỳ-kheo trong giáo đoàn đều phải hướng về Bồ-tát đạo.
    Kinh Pháp Hoa lại chủ trương: “Cửu viễn thật thành chi Phật", tức là chỉ cho Đức Phật đã hiện hữu từ thuở lâu xa và có thọ mạng vô lượng. Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Vô lượng thọ mạng chi Phật". Hai kinh cùng thuyết minh về cội gốc của sự tồn tại bắt nguồn từ nơi có sinh mệnh vĩnh viễn bất diệt, tức gọi là Phật. Chữ "Không" trong kinh Bát-nhã là nói theo lập trường triết học, còn chữ "Không" được nói ở đây là nhìn từ quan điểm tôn giáo.
    Kinh Hoa Nghiêm thì nêu lên thế giới quan: “Một tức hết thảy, hết thảy tức một”. Trong đó, bất luận là nói cách nào cũng nhân danh Ðại thừa để mở rộng nhân sinh quan và vũ trụ quan. Đại thế giới quan của kinh Hoa Nghiêm là căn cứ của lập luận trên.
    Phật giáo Ðại thừa trong thời kì sau có các vị đại luận sư xuất hiện và nhiều bộ luận lớn ra đời, tạo nhiều ảnh hưởng đến mỹ thuật, kiến trúc...v..v. Không bao lâu truyền đến Tây Vực, Trung Quốc, Nhật Bản, sản sinh ra văn hóa Phật giáo Ðại thừa thật độc đáo. Thời kì sau của Phật giáo Ðại thừa chịu ảnh huởng Mật giáo trong Ấn Độ giáo, với tín ngưỡng dân gian mạnh mẽ ở đất Ấn Độ nên nhuộm màu sắc Mật giáo rõ rệt và rồi lần lần suy thoái. Sau khi Hồi giáo xâm nhập Ấn Độ, Phật giáo cũng theo đó mà suy tàn.

    Thời kì giữa của Phật giáo Ðại thừa (thế kỷ III đế thế kỷ IV) phân làm 2 học phái:  phái Trung quán và phái Du-già.

    1. Phái Trung quán (Phạn: Màdhyamika)
    Lấy Trung Luận của ngài Long Thọ làm cơ sở để tuyên dương Bát-nhã Không Quán. Học thuyết của Trung Luận chủ trương: Giác ngộ tất cả sự vật tồn tại đều bắt nguồn từ tính duyên khởi, chẳng phải chủ trương “không”, cũng chẳng phải chủ trương “có”, mà chủ trương chính quán : "Chân không Trung đạo".
    Học trò của ngài Long Thọ là Ðề-bà (Phạn: Àryadeva) viết Bách Luận để bài xích ngoại đạo và giáo nghĩa của Tiểu thừa, La-hầu-la Bạt-đà-la (Phạn:  Ràhulabhadra) chú thích nghĩa “Bát bất” trong Trung Luận.
    Triều đại Gupta, thời kỳ đầu có bản chú thích về Trung Luận Bản Tụng do luận sư Thanh Mục soạn và bản chú thích Bách Luận Bản Tụng của khai sĩ Thế Thân.
    Vào thế kỷ IV và V, xuất hiện 2 hệ thống: phái Cụ duyên (Phạn: Pràsangika), của ngài Phật Hộ (Buddhapàlita) và phái Y tự khởi (Phạn: Svàtantrika) của ngài Thanh Biện (Phạn: Bhàvaviveka). Ðó là 2 phái lớn từ phái Trung Quán chia ra. Hai vị này đều là đệ tử của ngài Tăng Hộ (Phạn: Samgharaksita). Phật Hộ chủ trương: "Các pháp duyên khởi tất cánh không". Còn Thanh Biện thì nhấn mạnh : Nhìn theo Tục đế môn thì "Các pháp duyên khởi đều không có tự tánh, bất khả đắc", còn nhìn theo Chân đế môn thì chủ trương rằng: "Tất cả pháp đều có bản tính thường trụ tồn tại". Trong hệ phái Cụ Duyên của Phật Hộ, khoảng thế kỷ VII, có luận sư Nguyệt Xứng (Phạn: Candrakìrti) viết “Trung Luận Chú”, làm cho thế lực của giáo phái này rất hưng thịnh.

    2. Phái Du già.
    Học phái này suy tôn ngài Di lặc (Phạn: Maitreya, 270 - 350 Tây lịch) làm vị tổ khai sáng.
    Tương truyền rằng các tác phẩm như Luận Du-già Sư-địa (Phạn: Yogàcàra-bhùmi), Ðại thừa Trang Nghiêm Kinh Luận Tụng, Biện Trung Biên Luận Tụng, Luận Hiện Quán Trang Nghiêm... đều do ngài Di-lặc soạn.
    Phái này lấy tư tưởng “Không” của Bát-nhã và Du-già hành làm cơ sở kiến lập thuyết Duy thức. Ngoài ra, phái này đứng trên phương diện Tự tính thanh tịnh mà lập ra tư tưởng “Như Lai Tạng Duyên Khởi”. Ngài Vô Truớc (Phạn: Asanga, 310 - 390) là vị tổ thứ 2 của phái này, đã viết Hiển Dương Thánh Giáo Luận Tụng, Luận Nhiếp Đại Thừa (Phạn: Mahàyàna-samgraha) và Đại Thừa A-tì-đạt-ma Tập Luận (Phạn: Mahàyànàbhidharmasamuccaya) làm cơ sở để lập nên phái Du-già. Em của ngài là Thế Thân (Phạn: Vasubandhu) viết Duy Thức Tam Thập Luận Tụng  (Phạn: Trimsikà-kàrikà), Duy Thức Nhị Thập Luận Tụng (Phạn: Vimsatikà-kàrikà), Nhiếp Đại Thừa Luận Thích v.v... tuyên dương thuyết Du-già Duy Thức. Hệ thống học thuyết của ngài Thế Thân lại phân ra 2 hệ thống lớn: Trần Na (Phạn: Dignàga) và Ðức Huệ (Phạn: Gunamati). Trần Na là người tập đại thành Luận Lí học Ấn Độ.
    Ðến giữa thế kỉ thứ VII, Phật giáo nhanh chóng dung hợp với Ấn Độ giáo sinh ra Mật giáo. Nguyên nhân là giữa thế kỉ VII, tại biên giới Ấn Độ, người Ả Rập thành lập nước Hồi giáo áp bức người Ấn Độ. Do ý thức phản kháng của các vua Ấn Độ cùng với nhân dân lập ra Ấn Độ giáo có khuynh hướng dân tộc. Trong bối cảnh chính trị ấy, Phật giáo cho rằng thỏa hiệp với Ấn Độ giáo là phương pháp tốt nhất để bảo tồn Phật giáo, nên dần dần dung hợp với Ấn Độ giáo và có khuynh hướng Mật giáo hóa. Ðến cuối thế kỉ XII, tín đồ Hồi giáo xâm nhập vào vùng đất trung tâm của Phật giáo (tức là một dải đất ở miền nam Bihar) thì Phật giáo hoàn toàn dung nhập vào Ấn Độ giáo. Ðồng thời, do quân đội Hồi giáo nhiều lần xâm nhập, triệt để hủy diệt tự viện Phật giáo, nên Tăng đồ cũng trốn ra nuớc ngoài, đó là lúc Phật giáo Ấn Độ suy tàn.

Related Posts:

  • Ấn Độ Phật giáo                  Phật giáo Ấn Độ được trình bày sơ lược từ thời Đức Phật cho đến các Bộ phái Phật giáo, phái Ðại thừa Trung quán, phái Đại thừ… Read More

0 nhận xét:

Đăng nhận xét