Phạn, Pali: Dana.
Dịch âm: Đàn-na, Đàn.
Dịch ý: Đạt sấn, Đại sấn.
Cũng gọi: Thí (Phạn: Daksina).
Ban phát khắp cho mọi người, xuất phát từ lòng từ bi.
Pháp bố thí là do Đức Phật dạy bảo hàng Ưu-bà-tắc. Nguyên nghĩa bố thí là đem y phục, thức ăn và các vật dụng khác dâng cúng các bậc Đại đức hoặc cho người bần cùng.
Đến thời giáo pháp Đại thừa thì nghĩa bố thí được phát triển rộng thêm như Bố-thí Ba-la-mật. Về hình thức, ngoài việc bố thí tài vật, thức ăn thông thường còn thêm 2 thứ bố thí là Pháp thí (bố thí pháp) và Vô uý thí (khiến cho người khác không sợ hãi). Đây là một phương pháp tu hành tạo phước thành trí để được giải thoát. Đại Thừa Nghĩa Chương 12 giải thích nghĩa bố thí như sau: Bố là lấy của cải của mình phân phát cho người khác; thí là đem lòng của mình lo lắng cho mọi người.
Mục đích bố thí của Tiểu thừa là phá trừ tâm tham lam keo kiết của cá nhân để thoát khỏi sự nghèo khổ của kiếp sau. Đại thừa thì liên kết bố thí với giáo nghĩa đại từ đại bi để đưa chúng sinh đến giác ngộ.
Người bố thí tài vật gọi là Đàn việt (Phạn: Danapati, chỉ cho người chủ sự bố thí, Hán dịch: Thí chủ, đàn na chủ, gọi tắt Đàn-na). Tài vật bố thí gọi là Sấn tư, Sấn tài, Sấn tiền, Đường sấn (ý chỉ tài vật bố thí cho chư tăng ở chùa), biểu sấn có nghĩa là phân chia tài vật. Tín thí có nghĩa là tín đồ bố thí tài vật.
Ở Nhật Bản, Đàn-na tự là tự viện dùng để phân phối vật bố thí. Người nào ở trong đạo tràng bố thí thì được gọi là: Đàn gia, Đàn trung, Đàn đồ, Đàn phương.
Bố thí là 1 trong 6 niệm (Niệm thí), 1 trong 4 Nhiếp pháp (Bố thí nhiếp), 1 trong 6 Ba-la-mật và 10 Ba-la-mật (Bố thí Ba-la-mật, Đàn Ba-la-mật).
Bố thí có năng lực làm cho con người xa lìa tâm tham, như bố thí cho Phật, chư tăng và người bần cùng các thứ tài vật chẳng hạn như cơm, áo....thì chắc chắn chiêu cảm quả báo hạnh phúc. Còn như giảng nói chính pháp cho người nghe khiến họ được lợi ích thì gọi là Pháp thí; khiến cho họ lìa các sự sợ hãi thì gọi là Vô úy thí.
Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí là những việc Bồ-tát phải thực hành. Trong đó, công đức Pháp thí thì lớn hơn hết.
Ngoài ra, nói về sự khác nhau giữa bố thí và bố thí ba-la-mật, theo kinh Ưu-bà-tắc, bố thí của hàng Thanh văn, Duyên giác, phàm phu, ngoại đạo và bố thí của hàng Bồ-tát thực hành trong hai a-tăng-kỳ-kiếp đều gọi là thí; còn bố thí của hàng Bồ-tát thực hành trong a-tăng-kỳ-kiếp thứ 3 gọi là Thí ba-la-mật.
Theo phẩm Tựa trong kinh Bồ-tát Thiện Giới 1, bồ-tát tại gia thì thực hành tài thí và pháp thí; Bồ-tát xuất gia thì thực hành 4 pháp thí: Bút thí, Mặc thí, Kinh thí, Thuyết pháp thí; còn Bồ-tát đắc vô sinh nhẫn thì thực hành 3 pháp thí: Cụ túc thí, Đại thí, Vô thượng thí.
Luận Câu Xá 18 nêu ra 8 thứ bố thí: Tùy chí thí, Bố úy thí, Báo ân thí, Cầu báo thí, Tập tiên thí, Hi thiên thí, Yếu danh thí, Vị trang nghiêm tâm thí. Cũng luận này nêu ra 7 thứ bố thí: Thí khách nhân, Thí hành nhân, Thí bệnh nhân, Thí thị bệnh giả (thí cho người nuôi bệnh), Thí viên lâm, Thí thường thực, Thí tùy thời. Theo phẩm Thập Vô Tận Tạng trong kinh Hoa Nghiêm 12 (bản cựu dịch) thì có 10 pháp bố thí: Tu tập thí, Tối hậu nan thí, Nội thí, Ngoại thí, Nội ngoại thí, Nhất thiết thí, Quá khứ thí, Vị lai thí, Hiện tại thí, Cứu cánh thí.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét