Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Bát nhã


          Phạn: Prajnà.
          Cũng gọi: Ba-nhã, Bát-la-nhã, Bát-lặc-nhã.
          Dịch ý: Huệ, Trí huệ, Minh, Hiệt huệ.
          Trí tuệ do tu tập Bát chính đạo và 6 hạnh Ba-la-mật mà chân thật hiển hiện.    
          Trí huệ này cao sâu, thấy rõ hết tất cả sự vật và đạo lý, nên gọi là Bát-nhã. Bồ-tát muốn đạt đến bờ bên kia phải tu 6 hạnh Ba-la-mật.  Trong ấy, Bát-nhã Ba-la-mật (trí huệ ba-la-mật) được gọi là Mẹ của chư Phật, là nền tảng cho 5 Ba-la-mật còn lại và đứng vào địa vị quan trọng nhất.
          Bát-nhã có thể chia ra: 2 loại, 3 loại, 5 loại. Hai loại Bát-nhã phân thành 3 như sau :
          1. Cộng Bát-nhã và Bất cộng Bát-nhã: Cộng Bát-nhã tức là Bát-nhã chung cho cả Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. Bất cộng Bát-nhã chỉ riêng cho hàng Bồ-tát.
          2. Thật tướng Bát-nhã và Quán chiếu Bát-nhã: Thật tướng Bát-nhã, tức là trí huệ chân thật tuyệt đối (thể tánh) vốn có của chúng sinh. Quán chiếu Bát-nhã: Do trí huệ có khả năng quán chiếu thật tướng chân thật tuyệt đối của tất cả pháp nên dùng trí huệ mà quán chiếu tất cả đối cảnh; đây tuy chẳng phải Bát-nhã nhưng là căn nguyên có thể sinh khởi Bát-nhã.
          3. Thế gian trí và Bát-nhã: Thế gian trí là trí thế tục tương dối. Bát-nhã là trí huệ tuyệt đối siêu việt thế tục.
          Ba loại Bát-nhã là Thực tướng Bát-nhã và Quán chiếu Bát-nhã, cộng thêm Phương tiện Bát-nhã hoặc Văn tự Bát-nhã. Phương tiện Bát-nhã là trí tương đối để suy lý phán đoán, rõ biết các pháp sai biệt. Văn tự Bát-nhã là các kinh điển nói về Thật tướng và Quán chiếu Bát-nhã.
         Năm loại Bát-nhã là: Thật tướng, Quán chiếu, Văn tự, Cảnh giới Bát-nhã (tất cả các pháp khách quan là đối tượng của Bát-nhã) và Quyến thuộc Bát-nhã (các pháp tu hành hổ trợ đi kèm theo Bát-nhã).

Related Posts:

  • Bát nhã           Phạn: Prajnà.          Cũng gọi: Ba-nhã, Bát-la-nhã, Bát-lặc-nhã.           D… Read More

0 nhận xét:

Đăng nhận xét