Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Bồ đề tâm


    Phạn: Bodhi-citta.
    Gọi đủ: A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.
    Cũng gọi: Vô thượng chính chân đạo ý, Vô thượng bồ-đề tâm, Vô thượng đạo tâm, Vô thượng đạo ý, Vô thượng tâm, Ðạo tâm, Ðạo ý, Ðạo niệm, Giác ý.
    Tâm cầu thành Phật. Tâm là hạt giống sinh ra tất cả chư Phật, là ruộng tốt nuôi lớn tịnh pháp, sau khi phát khởi tâm này, siêng năng tinh tấn tu hành sẽ chóng được thành Phật. Thế nên biết bồ-tát Đại thừa trước tiên cần phải phát khởi tâm rộng lớn, gọi là phát bồ-đề tâm, phát tâm, phát ý. Mới bắt đầu phát tâm, gọi là sơ phát tâm. Người cầu vãng sinh Tịnh độ, cũng cần phát Bồ-đề tâm.
    Theo kinh Vô Lượng Thọ, hạ: "Ba hạng người vãng sinh đều nên phát tâm Vô thượng bồ-đề.
    Về thể tính của Bồ-đề tâm, phẩm Trụ Tâm kinh Ðại Nhật 1 ghi: "Biết tự tâm như thật, tức là Bồ-đề". Tức tự tính thanh tịnh tâm sẵn có là Bồ-đề tâm.
    Về các thứ duyên trợ giúp cho hành giả phát Bồ-đề tâm, theo kinh Bồ-tát Địa Trì 1, bốn thứ duyên để phát Bồ-đề tâm là:
    1. Thấy nghe thần thông biến hóa bất khả tư nghị của Phật, Bồ tát mà phát tâm.
    2. Tuy chưa thấy thần biến, nhưng được nghe nói về Bồ-đề và Bồ-tát tạng mà phát tâm.
    3. Tuy chẳng nghe chính pháp, nhưng tự thấy tướng pháp diệt, vì muốn hộ trì chính pháp mà phát tâm.
    4. Chẳng thấy tướng pháp diệt, nhưng thấy chúng sinh bị phiền não trói buộc khó phát tâm được nên mình phát tâm.

    Theo phẩm Phát Tâm trong Phát Bồ-đề Tâm Kinh Luận thượng, có 4 duyên:
    1. Tư duy về chư Phật.
    2. Quán lỗi lầm của thân.
    3. Thương xót chúng sinh.
    4. Cầu quả tối thắng.

    Theo Vô Lượng Thọ Kinh Tông Yếu, lấy Tứ hoằng thệ nguyện làm Bồ-đề tâm, rồi phân ra làm 2 loại là Tùy sự phát tâm (do sự việc cụ thể mà phát) và Thuận lí phát tâm (do chân lí phổ thông mà phát).
    Theo Ðại Thừa Nghĩa Chương 9, có 3 loại duyên:
    1. Tướng phát tâm: Thấy tướng sinh tử và Niết-bàn, nên chán sinh tử và phát tâm cầu Niết-bàn.
    2. Tức tướng phát tâm: Biết bản tính của sinh tử tịch diệt cùng Niết-bàn không khác; lìa tướng sai biệt mà khởi tâm bình đẳng.
    3. Chân phát tâm: Biết bản tính của Bồ-đề là tự tâm, bồ-đề tức tâm, tâm tức bồ-đề mà quay về bản tâm của chính mình.
    Theo Ma-ha Chỉ Quán 1, thượng, Bồ-tát Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo cho đến Viên giáo, mỗi vị đều nhân suy lường lí của: Sinh diệt tứ đế, Vô sinh tứ đế, Vô lượng tứ đế, Vô tác tứ đế mà phát tâm; như thế gọi là Suy lí phát tâm.
    Luận Ðại Thừa Khởi Tín, có 3 loại phát tâm: Tín thành tựu phát tâm, Giải hạnh phát tâm, Chứng phát tâm. Tín thành tựu phát tâm lại chia làm 3 loại: Trực tâm, Thâm tâm, Ðại bi tâm. Mật tông chủ trương phát tâm là 1 trong 5 lần biến chuyển của chữ A và đặt nền tảng  trên 3 loại tâm bồ-đề: Hạnh nguyện, Thắng nghĩa, Tam-ma-địa của Bồ-đề Tâm Luận mà lập ra 4 loại phát tâm:
    1. Tín tâm: Tâm không chút nghi ngờ đối với việc cầu thành Phật đạo, vì đây là nền tảng của muôn hạnh, nên gọi là Bạch tịnh tín tâm (lòng tin trắng sạch).
    2. Ðại bi tâm: Sau khi phát Bạch tịnh tín tâm rồi thì phát Từ hoằng thệ nguyện. Đại bi tâm này còn gọi là Hạnh nguyện tâm, Hạnh nguyện bồ-đề tâm.
    3. Thắng nghĩa tâm: Chọn lựa sự chân thật thù thắng trong các giáo pháp. Thắng nghĩa tâm này còn gọi là Thắng Bát-nhã tâm, Thắng nghĩa bồ-đề tâm.
    4. Ðại Bồ-đề tâm: Ngay lúc quyết định bỏ cái liệt (kém, dở) chọn cái thắng (hay, tốt), mười phương chư Phật liền hiện trước mắt chứng minh, chúng ma thấy việc này đều khiếp sợ mà thoái lui. Ðại Bồ-đề tâm này còn gọi Tam-ma-địa Bồ-đề tâm.
    Tuy chia ra 4 tâm như trên, nhưng chúng vốn cùng một thể, cho đến ngày thành Phật cũng không giây phút nào xa nhau. Ðây là cái sở đắc do tự hành hóa tha, thế gian xuất thế gian đều tu tam mật của chư tôn, cho nên gọi là Hữu tướng Bồ-đề tâm.
    Nhưng xưa nay vì hữu tướng tức là vô tướng như hư không lìa tất cả tướng, nên khế hợp với Vô tướng Bồ-đề tâm.
    Sư Nguyên Không thuộc tông Tịnh Độ ở Nhật Bản có trước tác Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập cho rằng Bồ-đề tâm là tạp hạnh và bác bỏ. Căn cứ vào lí này, phái Trấn Tây của tông Tịnh Độ chia Bồ-đề tâm thành Bồ-đề tâm Thánh đạo môn và Bồ-đề tâm Tịnh độ môn và cho rằng Bồ-đề tâm là Tổng an tâm, còn Tam tâm (Chí thành tâm, Thâm tâm, Hồi hướng phát nguyện tâm) là Biệt an tâm, cho nên chủ trương cần phải phát Bồ-đề tâm.
    Phái Tây Sơn của tông Tịnh độ phân chia: Bồ-đề tâm của Hạnh môn và Bồ-đề tâm của Quán môn và cho rằng Bồ-đề tâm của Quán môn là 3 tâm đã đầy đủ, không cần Bồ-đề tâm của Hạnh môn.
    Tịnh độ Chân tông thì phân ra Tự lực Bồ-đề tâm và Tha lực Bồ-đề tâm. Trong đó, Phật dùng bản thệ nguyện cho chúng sinh tin ưa tức là tín tâm chân thật vì tâm nguyện làm Phật (tâm tự lợi nguyện thành Phật), tâm độ chúng sinh (tâm lợi tha tế độ tất cả chúng sinh), cho nên gọi là Tha lực bồ-đề tâm, Tịnh độ đại bồ-đề tâm.

Related Posts:

  • Bồ đề tâm     Phạn: Bodhi-citta.     Gọi đủ: A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.     Cũng gọi: Vô thượng chính chân đạo ý, Vô thượng bồ-đề tâm, Vô thượng đạo tâm, Vô thượng đạo ý, Vô thượng t… Read More

0 nhận xét:

Đăng nhận xét