Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Bồ Đề Đạt Ma



    Phạn: Bodhidharma.
    Dịch ý:  Ðạo Pháp.
    Cũng gọi: Bồ-đề-đạt-ma-đa-la, Ðạt-ma-đa-la, Bồ-đề-đa-la.
    Phổ thông: Ðạt-ma.
    Tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ và là Sơ tổ Thiền tông Trung Quốc. Ngài là người con trai thứ ba của Quốc vương nước Hương Chí (có chỗ nói là nước Bà-la-môn, nước Ba Tư) thuộc Nam Thiên Trúc, học đạo với tổ Bát-nhã-đa-la.
    Ngài và Phật Đại Tiên là 2 người học trò giỏi của tổ Bát-nhã Đa-la. Sau 40 tuổi, Ngài được truyền y bát. Đời Lương Vũ Đế, năm 520 (có thuyết nói năm 478), Ngài vượt biển đến huyện Phiên Ngung, tỉnh Quảng Đông. Vua Vũ Đế sai sứ rước Ngài đến kinh đô Kiến Nghiệp. Qua cuộc đối thoại với vua, thấy không khế hợp, Ngài liền qua sông đến đất Ngụy, dừng ở chùa Thiếu Lâm núi Tung Sơn, ngồi thiền xoay mặt vào vách. Người thời ấy do không hiểu ý, nên gọi Ngài là Bích Quán Bà-la-môn.
    Bây giờ, Sư Thần Quang ở Y Thủy, Lạc Thủy học nhiều sách vở, Sư vì cầu pháp với Ngài nên chặt tay, Ngài cảm kích trước tấm lòng chân thành của Sư liền truyền chân pháp An tâm phát hạnh, trao cho Sư tâm ấn Thiền tông, đổi tên Sư là Huệ Khả. Được 9 năm, Ngài định trở về Ấn Độ nên phó chúc chỗ thâm diệu của Thiền tông trao y bát và kinh Lăng Già (4 quyển) cho Sư Huệ Khả. Không bao lâu, Ngài thị tịch, được an táng tại chùa Thiếu Lâm núi Hùng Nhĩ. Hơn 3 năm sau, khi sứ nước Ngụy là Tống Vân đi qua núi Thông Lãnh chợt gặp Ngài quảy một chiếc giầy đi về Ấn Độ.
    Vua Lương Vũ Đế tôn xưng Ngài là Thánh Trụ Đại Sư; vua Đường Ðại Tông ban thụy hiệu là Viên Giác Đại Sư, tên tháp là Không Quán. Về đệ tử của Ngài, ngoài sư Huệ Khả còn có những vị khá nổi tiếng như Ðạo Dục, Tăng Phó (có chỗ nói Ðạo Phó), Ðàm Lâm v.v...
    Về pháp Thiền của Ngài, theo sự khảo cứu các tư liệu đào được ở Ðôn Hoàng, các học giả cho rằng: Trong các tác phẩm để lưu truyền học thuyết của Ðạt ma xưa nay hình như chỉ có luận Nhị Nhập Tứ Hạnh là bộ luận mang tư tưởng chân chính của tổ Bồ-đề Đạt-ma. Bộ luận này lấy pháp môn Bích quán làm chính yếu. Nhị nhập, chỉ cho 2 phương pháp tu hành là Lí nhập và Hành nhập. Lí nhập thuộc về tư duy giáo lí, Hành nhập thuộc về thực hành giáo pháp, là giáo nghĩa kết hợp giữa lí luận và thực hành về Thiền pháp. Lại, Ðạt-ma truyện trong Lăng-già Sử Tư Kí có một quyển nói lược về Tứ hạnh nhập đạo Đại thừa, do Sư Ðàm Lâm góp nhặt ngôn hạnh của Ngài Đạt-ma mà tập thành, ngoài ra còn có Thích Lăng Già Yếu Nghĩa (1 quyển), 2 quyển này còn gọi là luận Ðạt-ma, được lưu hành rộng rãi vào thời ấy.
    Các tác phẩm nói về phương pháp tu hành của ngài Đạt-ma gồn có: Thiếu Thất Lục Môn Tập, Ðạt-ma Hòa Thuợng Tuyệt Quán Luận, Thích Bồ-đề Đạt-ma Vô Tâm Luận, Nam Thiên Trúc Bồ-đề Đạt-ma Thiền Sư Quán Môn, Thiếu Thất Dật Thư v.v...

Related Posts:

  • Bồ Đề Đạt Ma     Phạn: Bodhidharma.    Dịch ý:  Ðạo Pháp.     Cũng gọi: Bồ-đề-đạt-ma-đa-la, Ðạt-ma-đa-la, Bồ-đề-đa-la.     Phổ thông: Ðạt-ma.    Tổ thứ 28… Read More

0 nhận xét:

Đăng nhận xét