Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

A

I.A
    Chữ (a, âm ngắn) của mẫu tự Tất đàm, là 1 trong 12 nguyên âm của mẫu tự Tất đàm, 1 trong 42, 1 trong 50 chữ cái, là chữ A chuyển hóa lần thứ nhất trong 5 lần chuyển hóa hoặc gọi chữ A còn nguyên gốc.
    A là chữ cái đầu tiên trong 50 mẫu tự Tất đàm, đó là vì khi người ta mở miệng nói ra thành tiếng thì trong đó đã có chữ A, nếu bỏ chữ A thì không có tất cả ngôn từ, vì thế Mật giáo cho chữ A là mẹ của tất cả tiếng nói. Các chữ Tất đàm, khi mới chuyển bút viết thì phải chấm một dấu ".", chấm này gọi là chấm chữ A, dùng để hiển thị A là mẹ của tất cả các chữ. Theo đó, suy rộng ra có thể nói tất cả giáo pháp dù trong hay ngoài Mật giáo đều do chữ A sinh ra. Đại Nhật Kinh Sở 7 lại tiến thêm một bước nữa, cho chữ A là "Gốc của tất cả các pháp".
    Kinh Đại Nhật 2,6 cũng xếp loại và khen ngợi chữ A là "Vua chân ngôn" và "cốt tủy của tất cả chân ngôn".
    Nếu nói theo nghĩa chữ gốc thì chữ A có nghĩa phủ định như "vô" (không), "bất" (chẳng), "phi" (chẳng phải). Phẩm Hải Hội Bồ-tát trong Kinh Đại Phương Đẳng Đại tập 10, kinh Văn-thù-sư-lợi Vấn, thượng, cho chữ có nghĩa vô thường.
    Kinh Đại Bát Niết-bàn 8, (bản Bắc) nêu : A nghĩa là không hư hoại, không lưu chuyển. Phẩm Khẩn-na-la Thụ ký trong kinh Đại Bảo Tích 65, nêu ra các nghĩa của chữ A : Vô tác, vô biên, vô phân biệt, vô tự tính, bất khả tư nghị....v.v...
    Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà-la-ni 2, nêu 7 nghĩa của chữ A tâm bồ đề, pháp môn, không hai, pháp giới, pháp giới tính, tự tại, pháp thân. Trong quyển 3 của kinh này còn nêu ra 100 nghĩa của chữ A : vô lai, vô khứ, vô hành, vô trụ, vô bản tính, vô căn bản, vô chung, vô tận.
    Phẩm Quảng Thừa trong kinh Đại Phẩm Bát-nhã 5, giải thích chữ A vốn không sinh.
Đại Nhật Kinh Sở 7, y cứ vào "cũng Không, cũng Giả, cũng Trung" trong luận Trung Quán và "Tam trí nhất tâm" trong luận Đại Trí Độ rồi theo 3 nghĩa : "Có, không, bất sinh" để giải thích lý : "Chũ A vốn không sinh".
Phẩm Trụ Tâm trong kinh Đại Nhật 1, Đại Nhật Kinh Sở 14, cho chữ A là "tâm bồ-đề thanh tịnh vốn không sinh", nghĩa là : Nếu rõ biết thật nghĩa của chữ A thì cũng biết như thật tâm mình. Bởi vì ý chí sâu xa của bộ Kinh Đại Nhật là nghiên cứu cùng tận các tướng của tâm bồ-đề. Thế nên, nói một cach đại cương thì cũng có thể cho rằng : "Tòan bộ kinh Đại Nhật đều giải thích vô nghĩa tướng của chữ A".
Ngoài ra, pháp môn tự nội chứng mà Đại Nhật Như Lai đã giảng nói trong Thai tạng giới (toàn bộ kinh Đại Nhật) chính là nói rộng về lý chữ A vốn không sinh. Cho nên có thể cho rằng : Lý Pháp thân của Đại Nhật Như Lai trong Thai tạng giới lấy chữ A này làm chủng tử. Đây là ý nghĩa mà Đại Nhật Kinh sở 7 (Đại 39, 651 hạ) ghi :"Đức Ty-lô-giá-na chỉ lấy một chữ A này làm chân ngôn". Cũng trong Đại Nhật Kinh Sở 7 cho chữ A là chủng tử của tâm bồ-đề, nghĩa là người trì tụng chữ A đều có tâm bồ-đề và lấy đó để mong cầu đạt đến Vô thượng bồ-đề.
Thông thường các tôn vị trong Mật giáo, đều có chủng tử và chân ngôn tượng trưng dẫn sinh và nhiếp trì Phật trí. Nhưng vì một phần các tôn vị không có chủng tử riêng biệt, phải lấy chữ A thay vào, nên gọi A là chủng tử chân ngôn chung.
Chữ A là chủng tử của Thai tạng giới, là chủng tử của pháp thân, là chủng tử của Phật bộ, là chủng tử của nhân chuyển hóa trong 5 lần chuyển hóa (nhân, hành, chứng, nhập, phương tiện); là chủng tử của địa đại trong 6 đại (địa, thủy, hỏa, phong, không, thức).
Trong Mật giáo quán tưởng hình viết, âm đọc và ý nghĩa của chữ A, gọi là pháp quán chữ A. Đây chính là pháp quán quan trọng nhất đối với người tu hành chân ngôn.

II. A
Chữ (a, âm dài) của mẫu chữ Tất đàm, 1 trong 12 nguyên âm, 1 trong 42 chữ cái tiếng Phạn.
Đây là chữ A biến chuyển lần thứ hai trong 5 lần chuyển hóa, tức là chữ A thêm một chấm (chấm tu hành). Chữ A biểu thị cho Tam-ma-địa của Bảo Sinh Như Lai ở phương Nam, tượng trưng cho đức tu hành. Cho nên trong 5 lần chuyển hóa, chữ A này thuộc về Nhân vị tu hành. Đây là thuyết Đông nhân phát tâm. Nếu phối hợp chữ A với bốn phương thì chữ A biểu thị môn tu hành ở phương Nam, có nghĩa tất cả pháp vắng lặng (S : Aranya). Cho nên, các nhà Tất-đàm thường gọi là chữ A vắng lặng.
Ngoài ra chữ A này còn có các nghĩa : xa lìa ngã, tự lợi lợi tha, không, tam muội, thánh giả, ít muốn, biết đủ, trong sáng, răn dạy...

Related Posts:

  • A I.A     Chữ (a, âm ngắn) của mẫu tự Tất đàm, là 1 trong 12 nguyên âm của mẫu tự Tất đàm, 1 trong 42, 1 trong 50 chữ cái, là chữ A chuyển hóa lần thứ nhất trong 5 lần chuyển hóa hoặc gọi chữ A còn nguyên gốc. … Read More

0 nhận xét:

Đăng nhận xét