Theo kinh Niết-bàn 40 (bản Bắc), Đức Phật nói với bồ-tát Văn-thù-sư-lợi rằng A-nan đầy đủ 8 pháp, có khả năng thụ trì 12 loại kinh (12 phần giáo), nên gọi A-nan là Ða Văn Tạng. Tám pháp là :
1. Tín căn bền vững : "Tín" là tín thuận; "Căn" là năng sinh, nghĩa là khi nghe 12 thể loại kinh do Như Lai nói, A-nan tin nhận bền vững. từ đó sinh trưởng tất cả công đức, pháp lành.
2. Tâm tính chất trực : "Chất" là chất phác, nghĩa là sau khi nghe 12 thể loại kinh, tâm A-nan trở nên chất trực, thường an trụ trong chánh pháp, lìa hẳn các kiến chấp hư vọng.
3. Thân không bệnh khổ : A-nan đã huân tu nhiều kiếp, hạnh lành lợi tha không thể lường được, nên thân không có bệnh khổ.
4. Thường siêng tinh tấn : Không hổn tạp là tinh, không gián đoạn là tấn, nghĩa là sau khi nghe 12 thể loại kinh, A-nan nhất tâm thụ trì, như pháp tu tập chứ không lười nhác.
5. Đầy đủ niệm tâm : Sau khi nghe 12 thể loại kinh, tâm A-nan thường ghi nhớ tư duy, không để quên sót.
6. Tâm không kiêu mạn : Sau khi nghe 12 thể loại kinh, A-nan ghi nhớ tất cả, tâm không buông lung, cũng không kiêu mạn với đại chúng.
7. Thành tựu định ý : Sau khi nghe 12 thể loại kinh, A-nan y theo chánh pháp tu nhiếp tâm mình mà thành tựu Thiền định.
8. Từ nghe sinh trí : Sau khi nghe 12 thể loại kinh, A-nan đối với nghĩa lý vô lượng, trí tuệ lại sáng hơn bao giờ hết, không điều gì không rõ thấu.
Ngoài ra, vì A-nan là đệ tử thường theo hầu bên cạnh Đức Phật, lại có đầy đủ 8 pháp nên đời sau, trong các tòng lâm dùng 8 pháp này để làm tiêu chuẩn cho những vị có trách nhiệm thị giả.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét