Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Bồ đề thụ


    Phạn: Bodhi-druma, Bodhi-taru, Bbodhi-vrksa, Bodhi.
    Pali: Bodhi-rukkha.
    Cũng gọi: Giác thụ, Ðạo thụ, Ðạo tràng thụ, Tu duy thụ, Phật thụ.
    Tên khoa học: Ficus religiosa.
    Cây bồ-đề ở phía Nam thành Già-da, nước Ma-kiệt-đà, Trung Ấn Độ. Đức Thích tôn đã chứng đắc quả vị Phật ở dưới cội cây này.
    Cây bồ-đề thuộc họ cây dâu, vốn sinh trưởng ở Đông Ấn Độ, là loại cây thường xanh, cao từ 3 mét trở lên; lá hình trái tim, đuôi nhọn dài, hoa ẩn trong túi hoa hình cầu, khi túi hoa chín thì có màu cam sậm, trong có quả nhỏ. Trung Quốc gọi là Bát-đa (Phạn: Asvattha), Bối-đa, A-thuyết-tha, A-phái-đa (dịch ý là Cát tường, Nguyên cát). Quả của nó gọi là Tát-bát-la (Phạn: Pippala), nên cây còn được gọi là Tát-bát-la thụ.
    Cây bồ-đề nơi Phật thành đạo, trải qua các thời đại, tuy đã nhiều lần bị vua A-dục, Vương phi Ðê-xá-la-hi-đa, vua Thiết-thưởng-ca.v.v… đốn chặt nhưng vẫn đâm chồi rậm rạp tươi tốt.
    Theo Ðại Sử (Mahàvamsa, XIX) bằng tiếng Pali thì con gái của vua A-dục là Tăng-già-mật-đa có lần đem nhánh cây bồ-đề này đến Tích Lan, trồng trong rừng Mahàmegha ở phía Nam thủ đô thành Anuràdhapura. Về sau, vào thế kỷ XII, khi giáo đồ Hồi giáo xâm nhập Ấn Độ, cây bồ-đề đạo tràng đã bị phá hoại một cách thảm hại, cho nên nhánh cây lại được đem từ Tích Lan trở về trồng lại ở Bồ-đề đạo tràng.
    Theo Nguyên Hanh Thích Thư 2, vào thời Lưu Tống, Nam triều, có vị tăng ở Trung Ấn Độ là Cầu-na-bạt-đà-la đem cây bồ-đề đến trồng ở Quảng Châu, Trung Quốc. Không bao lâu, ngài Ðạo Thúy lại chiết nhánh cây này đến trồng ở núi Thiên Thai. Vào đời Tống năm 1190, vị tăng người Nhật Bản là Vinh Tây lại đem nhánh cây ấy về trồng ở Nhật Bản.
    Trong kinh có nói rõ tên của 7 cây bồ-đề của  7 Đức Phật thời quá khứ, như cây Ba-ba-la (Phạn: Pàtalì) của Đức Phật Tì-bà-thi, cây Phân-đà-lợi (Phạn: Pundarìka) của Đức Phật Thi Khí, cây Sa-la (Phạn: Sàla) của Đức Phật Tì-xá-bà, cây Thi-lị-sa (Phạn: Sirìsa) của Đức Phật Câu-lâu-tôn, cây Ô-tạm-bà-la (Phạn: Udumbara) của Đức Phật Câu-na-hàm, cây Ni-câu-luật (Phạn: Nigrodha) của Đức Phật Ca-diếp, cây Bát-đa (Phạn: Asvattha) của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, và đời vị lai khi bồ-tát Di-lặc hạ sinh thành Phật, thì tên cây bồ-đề của ngài sẽ là Na-già (Phạn: Nàgapurpa, cây Long hoa).
    Theo kinh A-súc Phật Quốc, thượng, kinh Vô Lượng Thọ, nói về tịnh độ của Đức Phật A-súc, Đức Phật A-di-đà, cũng nói mỗi vị đều có riêng cây đạo tràng.
    Ngoài ra còn có một loại cây bồ-đề cao lớn, tên khoa học là Tilia migueliana, thuộc họ cây bồ-đề, cao từ 12 đến 15 mét, lá không giống cây tát-bát-la, đuôi không nhọn, rìa lá có hình sóng, quả màu đen, có thể dùng làm chuỗi.
    Tương truyền vào đời Lương, Nam triều, có vị tăng Trí Dược đem cây bồ-đề từ Thiên Trúc đến trồng ở Việt Đông, hạt của cây bồ-đề này bên ngoài có một vòng tròn lớn, đường vân như mây, những chấm nhỏ như sao, gọi là bồ-đề tinh nguyệt, cũng có thể dùng làm chuỗi. Ngày nay, tự viện nào cũng có trồng cây bồ-đề, là họ hàng với cây tát-bát-la nơi Ðức Thế Tôn thành đạo.

Bồ đề tâm


    Phạn: Bodhi-citta.
    Gọi đủ: A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.
    Cũng gọi: Vô thượng chính chân đạo ý, Vô thượng bồ-đề tâm, Vô thượng đạo tâm, Vô thượng đạo ý, Vô thượng tâm, Ðạo tâm, Ðạo ý, Ðạo niệm, Giác ý.
    Tâm cầu thành Phật. Tâm là hạt giống sinh ra tất cả chư Phật, là ruộng tốt nuôi lớn tịnh pháp, sau khi phát khởi tâm này, siêng năng tinh tấn tu hành sẽ chóng được thành Phật. Thế nên biết bồ-tát Đại thừa trước tiên cần phải phát khởi tâm rộng lớn, gọi là phát bồ-đề tâm, phát tâm, phát ý. Mới bắt đầu phát tâm, gọi là sơ phát tâm. Người cầu vãng sinh Tịnh độ, cũng cần phát Bồ-đề tâm.
    Theo kinh Vô Lượng Thọ, hạ: "Ba hạng người vãng sinh đều nên phát tâm Vô thượng bồ-đề.
    Về thể tính của Bồ-đề tâm, phẩm Trụ Tâm kinh Ðại Nhật 1 ghi: "Biết tự tâm như thật, tức là Bồ-đề". Tức tự tính thanh tịnh tâm sẵn có là Bồ-đề tâm.
    Về các thứ duyên trợ giúp cho hành giả phát Bồ-đề tâm, theo kinh Bồ-tát Địa Trì 1, bốn thứ duyên để phát Bồ-đề tâm là:
    1. Thấy nghe thần thông biến hóa bất khả tư nghị của Phật, Bồ tát mà phát tâm.
    2. Tuy chưa thấy thần biến, nhưng được nghe nói về Bồ-đề và Bồ-tát tạng mà phát tâm.
    3. Tuy chẳng nghe chính pháp, nhưng tự thấy tướng pháp diệt, vì muốn hộ trì chính pháp mà phát tâm.
    4. Chẳng thấy tướng pháp diệt, nhưng thấy chúng sinh bị phiền não trói buộc khó phát tâm được nên mình phát tâm.

    Theo phẩm Phát Tâm trong Phát Bồ-đề Tâm Kinh Luận thượng, có 4 duyên:
    1. Tư duy về chư Phật.
    2. Quán lỗi lầm của thân.
    3. Thương xót chúng sinh.
    4. Cầu quả tối thắng.

    Theo Vô Lượng Thọ Kinh Tông Yếu, lấy Tứ hoằng thệ nguyện làm Bồ-đề tâm, rồi phân ra làm 2 loại là Tùy sự phát tâm (do sự việc cụ thể mà phát) và Thuận lí phát tâm (do chân lí phổ thông mà phát).
    Theo Ðại Thừa Nghĩa Chương 9, có 3 loại duyên:
    1. Tướng phát tâm: Thấy tướng sinh tử và Niết-bàn, nên chán sinh tử và phát tâm cầu Niết-bàn.
    2. Tức tướng phát tâm: Biết bản tính của sinh tử tịch diệt cùng Niết-bàn không khác; lìa tướng sai biệt mà khởi tâm bình đẳng.
    3. Chân phát tâm: Biết bản tính của Bồ-đề là tự tâm, bồ-đề tức tâm, tâm tức bồ-đề mà quay về bản tâm của chính mình.
    Theo Ma-ha Chỉ Quán 1, thượng, Bồ-tát Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo cho đến Viên giáo, mỗi vị đều nhân suy lường lí của: Sinh diệt tứ đế, Vô sinh tứ đế, Vô lượng tứ đế, Vô tác tứ đế mà phát tâm; như thế gọi là Suy lí phát tâm.
    Luận Ðại Thừa Khởi Tín, có 3 loại phát tâm: Tín thành tựu phát tâm, Giải hạnh phát tâm, Chứng phát tâm. Tín thành tựu phát tâm lại chia làm 3 loại: Trực tâm, Thâm tâm, Ðại bi tâm. Mật tông chủ trương phát tâm là 1 trong 5 lần biến chuyển của chữ A và đặt nền tảng  trên 3 loại tâm bồ-đề: Hạnh nguyện, Thắng nghĩa, Tam-ma-địa của Bồ-đề Tâm Luận mà lập ra 4 loại phát tâm:
    1. Tín tâm: Tâm không chút nghi ngờ đối với việc cầu thành Phật đạo, vì đây là nền tảng của muôn hạnh, nên gọi là Bạch tịnh tín tâm (lòng tin trắng sạch).
    2. Ðại bi tâm: Sau khi phát Bạch tịnh tín tâm rồi thì phát Từ hoằng thệ nguyện. Đại bi tâm này còn gọi là Hạnh nguyện tâm, Hạnh nguyện bồ-đề tâm.
    3. Thắng nghĩa tâm: Chọn lựa sự chân thật thù thắng trong các giáo pháp. Thắng nghĩa tâm này còn gọi là Thắng Bát-nhã tâm, Thắng nghĩa bồ-đề tâm.
    4. Ðại Bồ-đề tâm: Ngay lúc quyết định bỏ cái liệt (kém, dở) chọn cái thắng (hay, tốt), mười phương chư Phật liền hiện trước mắt chứng minh, chúng ma thấy việc này đều khiếp sợ mà thoái lui. Ðại Bồ-đề tâm này còn gọi Tam-ma-địa Bồ-đề tâm.
    Tuy chia ra 4 tâm như trên, nhưng chúng vốn cùng một thể, cho đến ngày thành Phật cũng không giây phút nào xa nhau. Ðây là cái sở đắc do tự hành hóa tha, thế gian xuất thế gian đều tu tam mật của chư tôn, cho nên gọi là Hữu tướng Bồ-đề tâm.
    Nhưng xưa nay vì hữu tướng tức là vô tướng như hư không lìa tất cả tướng, nên khế hợp với Vô tướng Bồ-đề tâm.
    Sư Nguyên Không thuộc tông Tịnh Độ ở Nhật Bản có trước tác Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập cho rằng Bồ-đề tâm là tạp hạnh và bác bỏ. Căn cứ vào lí này, phái Trấn Tây của tông Tịnh Độ chia Bồ-đề tâm thành Bồ-đề tâm Thánh đạo môn và Bồ-đề tâm Tịnh độ môn và cho rằng Bồ-đề tâm là Tổng an tâm, còn Tam tâm (Chí thành tâm, Thâm tâm, Hồi hướng phát nguyện tâm) là Biệt an tâm, cho nên chủ trương cần phải phát Bồ-đề tâm.
    Phái Tây Sơn của tông Tịnh độ phân chia: Bồ-đề tâm của Hạnh môn và Bồ-đề tâm của Quán môn và cho rằng Bồ-đề tâm của Quán môn là 3 tâm đã đầy đủ, không cần Bồ-đề tâm của Hạnh môn.
    Tịnh độ Chân tông thì phân ra Tự lực Bồ-đề tâm và Tha lực Bồ-đề tâm. Trong đó, Phật dùng bản thệ nguyện cho chúng sinh tin ưa tức là tín tâm chân thật vì tâm nguyện làm Phật (tâm tự lợi nguyện thành Phật), tâm độ chúng sinh (tâm lợi tha tế độ tất cả chúng sinh), cho nên gọi là Tha lực bồ-đề tâm, Tịnh độ đại bồ-đề tâm.

Bồ Đề Đạt Ma



    Phạn: Bodhidharma.
    Dịch ý:  Ðạo Pháp.
    Cũng gọi: Bồ-đề-đạt-ma-đa-la, Ðạt-ma-đa-la, Bồ-đề-đa-la.
    Phổ thông: Ðạt-ma.
    Tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ và là Sơ tổ Thiền tông Trung Quốc. Ngài là người con trai thứ ba của Quốc vương nước Hương Chí (có chỗ nói là nước Bà-la-môn, nước Ba Tư) thuộc Nam Thiên Trúc, học đạo với tổ Bát-nhã-đa-la.
    Ngài và Phật Đại Tiên là 2 người học trò giỏi của tổ Bát-nhã Đa-la. Sau 40 tuổi, Ngài được truyền y bát. Đời Lương Vũ Đế, năm 520 (có thuyết nói năm 478), Ngài vượt biển đến huyện Phiên Ngung, tỉnh Quảng Đông. Vua Vũ Đế sai sứ rước Ngài đến kinh đô Kiến Nghiệp. Qua cuộc đối thoại với vua, thấy không khế hợp, Ngài liền qua sông đến đất Ngụy, dừng ở chùa Thiếu Lâm núi Tung Sơn, ngồi thiền xoay mặt vào vách. Người thời ấy do không hiểu ý, nên gọi Ngài là Bích Quán Bà-la-môn.
    Bây giờ, Sư Thần Quang ở Y Thủy, Lạc Thủy học nhiều sách vở, Sư vì cầu pháp với Ngài nên chặt tay, Ngài cảm kích trước tấm lòng chân thành của Sư liền truyền chân pháp An tâm phát hạnh, trao cho Sư tâm ấn Thiền tông, đổi tên Sư là Huệ Khả. Được 9 năm, Ngài định trở về Ấn Độ nên phó chúc chỗ thâm diệu của Thiền tông trao y bát và kinh Lăng Già (4 quyển) cho Sư Huệ Khả. Không bao lâu, Ngài thị tịch, được an táng tại chùa Thiếu Lâm núi Hùng Nhĩ. Hơn 3 năm sau, khi sứ nước Ngụy là Tống Vân đi qua núi Thông Lãnh chợt gặp Ngài quảy một chiếc giầy đi về Ấn Độ.
    Vua Lương Vũ Đế tôn xưng Ngài là Thánh Trụ Đại Sư; vua Đường Ðại Tông ban thụy hiệu là Viên Giác Đại Sư, tên tháp là Không Quán. Về đệ tử của Ngài, ngoài sư Huệ Khả còn có những vị khá nổi tiếng như Ðạo Dục, Tăng Phó (có chỗ nói Ðạo Phó), Ðàm Lâm v.v...
    Về pháp Thiền của Ngài, theo sự khảo cứu các tư liệu đào được ở Ðôn Hoàng, các học giả cho rằng: Trong các tác phẩm để lưu truyền học thuyết của Ðạt ma xưa nay hình như chỉ có luận Nhị Nhập Tứ Hạnh là bộ luận mang tư tưởng chân chính của tổ Bồ-đề Đạt-ma. Bộ luận này lấy pháp môn Bích quán làm chính yếu. Nhị nhập, chỉ cho 2 phương pháp tu hành là Lí nhập và Hành nhập. Lí nhập thuộc về tư duy giáo lí, Hành nhập thuộc về thực hành giáo pháp, là giáo nghĩa kết hợp giữa lí luận và thực hành về Thiền pháp. Lại, Ðạt-ma truyện trong Lăng-già Sử Tư Kí có một quyển nói lược về Tứ hạnh nhập đạo Đại thừa, do Sư Ðàm Lâm góp nhặt ngôn hạnh của Ngài Đạt-ma mà tập thành, ngoài ra còn có Thích Lăng Già Yếu Nghĩa (1 quyển), 2 quyển này còn gọi là luận Ðạt-ma, được lưu hành rộng rãi vào thời ấy.
    Các tác phẩm nói về phương pháp tu hành của ngài Đạt-ma gồn có: Thiếu Thất Lục Môn Tập, Ðạt-ma Hòa Thuợng Tuyệt Quán Luận, Thích Bồ-đề Đạt-ma Vô Tâm Luận, Nam Thiên Trúc Bồ-đề Đạt-ma Thiền Sư Quán Môn, Thiếu Thất Dật Thư v.v...

Bồ đề



           I. Bồ đề.
    Phạn, Pàli: Bodhi.
    Dịch ý: Giác, Trí, Tri Đạo.
    Trí huệ đoạn tuyệt phiền não thế gian để thành tựu Niết-bàn, tức là trí giác ngộ mà Phật, Duyên giác, Thanh văn đã chứng được ở quả vị của mình.
    Trong ba loại Bồ-đề này, Bồ-đề của Phật là cứu cánh vô thượng, nên gọi là A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, dịch là Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, Vô Thượng Chính Biến Tri, Vô Thượng Chính Chân Đạo, Vô Thượng Bồ-đề.
    Theo luận Ðại Trí Độ 53, Bồ-đề có 5 loại:
    1. Phát tâm Bồ-đề: Loại Bồ-đề của Bồ-tát ở giai vị Thập tín phát tâm cầu Bồ-đề, tâm này là nhân đưa đến quả Bồ-đề.
    2. Phục tâm Bồ-đề: Loại Bồ-đề của Bồ tát ở giai vị Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng do thực hành các Ba-la-mật, chế phục phiền não, hàng phục tâm mình.
    3. Minh tâm Bồ-đề: Loại Bồ-đề của Bồ tát ở giai vị Ðăng địa đã liễu ngộ Thật tướng các pháp rốt ráo thanh tịnh, là tưởng Bát-nhã Ba-la-mật.
    4. Xuất đáo Bồ-đề: Loại Bồ-đề của Bồ tát ở giai vị Bất động địa, Thiện huệ địa, Pháp vân địa; vị này ở trong Bát-nhã Ba-la-mật, diệt trừ phiền não trói buộc mà ra khỏi ba cõi, đến Nhất thiết trí.
    5. Vô thượng Bồ-đề: Bồ-đề của đấng Ðẳng giác, Diệu giác đã chứng thành A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, tức là giác trí của quả vị Phật.

    Theo Pháp Hoa Kinh Luận, hạ, ở nơi 3 thân Pháp, Báo, Hóa của Phật, lập 3 loại bồ-đề: Pháp Phật Bồ-đề (Pháp thân Bồ-đề), Báo Phật Bồ-đề (Báo thân Bồ-đề),và Ứng Phật Bồ-đề (Ứng thân Bồ-đề).
    Ðại Thừa Nghĩa Chương 18 phân chia Vô thượng Bồ-đề làm 2 loại: Phương tiện bồ-đề và Thanh tịnh bồ-đề.
    Tông Thiên Thai còn lập ra 3 nghĩa Bồ-đề:
    1. Thật tướng Bồ-đề (cũng gọi: Vô thượng bồ-đề): Ngộ được chân tính bồ-đề thuộc lí thật tướng, ứng với đức Pháp thân.
    2. Thật trí Bồ-đề (cũng gọi: Thanh tịnh bồ-đề): Ngộ được trí huệ thuộc lí khế hợp, ứng với đức Bát-nhã.
    3. Phương tiện Bồ-đề (cũng gọi: Cứu cánh bồ-đề): Ngộ được tác dụng tự tại giáo hóa chúng sinh, ứng với đức giải thoát.

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Bố thí



          Phạn, Pali: Dana.
          Dịch âm: Đàn-na, Đàn.
          Dịch ý: Đạt sấn, Đại sấn.
          Cũng gọi: Thí (Phạn: Daksina).
          Ban phát khắp cho mọi người, xuất phát từ lòng từ bi.
          Pháp bố thí là do Đức Phật dạy bảo hàng Ưu-bà-tắc. Nguyên nghĩa bố thí là đem y phục, thức ăn và các vật dụng khác dâng cúng các bậc Đại đức hoặc cho người bần cùng.
          Đến thời giáo pháp Đại thừa thì nghĩa bố thí được phát triển rộng thêm như Bố-thí Ba-la-mật. Về hình thức, ngoài việc bố thí tài vật, thức ăn thông thường còn thêm 2 thứ bố thí là Pháp thí (bố thí pháp) và Vô uý thí (khiến cho người khác không sợ hãi). Đây là một phương pháp tu hành tạo phước thành trí để được giải thoát. Đại Thừa Nghĩa Chương 12 giải thích nghĩa bố thí như sau: Bố là lấy của cải của mình phân phát cho người khác; thí là đem lòng của mình lo lắng cho mọi người.
          Mục đích bố thí của Tiểu thừa là phá trừ tâm tham lam keo kiết của cá nhân để thoát khỏi sự nghèo khổ của kiếp sau. Đại thừa thì liên kết bố thí với giáo nghĩa đại từ đại bi để đưa chúng sinh đến giác ngộ.
          Người bố thí tài vật gọi là Đàn việt (Phạn: Danapati, chỉ cho người chủ sự bố thí, Hán dịch: Thí chủ, đàn na chủ, gọi tắt Đàn-na). Tài vật bố thí gọi là Sấn tư, Sấn tài, Sấn tiền, Đường sấn (ý chỉ tài vật bố thí cho chư tăng ở chùa), biểu sấn có nghĩa là phân chia tài vật. Tín thí có nghĩa là tín đồ bố thí tài vật.
           Ở Nhật Bản, Đàn-na tự là tự viện dùng để phân phối vật bố thí. Người nào ở trong đạo tràng bố thí thì được gọi là: Đàn gia, Đàn trung, Đàn đồ, Đàn phương.
          Bố thí là 1 trong 6 niệm (Niệm thí), 1 trong 4 Nhiếp pháp (Bố thí nhiếp), 1 trong 6 Ba-la-mật và 10 Ba-la-mật (Bố thí Ba-la-mật, Đàn Ba-la-mật).
          Bố thí có năng lực làm cho con người xa lìa tâm tham, như bố thí cho Phật, chư tăng và người bần cùng các thứ tài vật chẳng hạn như cơm, áo....thì chắc chắn chiêu cảm quả báo hạnh phúc. Còn như giảng nói chính pháp cho người nghe khiến họ được lợi ích thì gọi là Pháp thí; khiến cho họ lìa các sự sợ hãi thì gọi là Vô úy thí.
          Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí là những việc Bồ-tát phải thực hành. Trong đó, công đức Pháp thí thì lớn hơn hết.
          Ngoài ra, nói về sự khác nhau giữa bố thí và bố thí ba-la-mật, theo kinh Ưu-bà-tắc, bố thí của hàng Thanh văn, Duyên giác, phàm phu, ngoại đạo và bố thí của hàng Bồ-tát thực hành trong hai a-tăng-kỳ-kiếp đều gọi là thí; còn bố thí của hàng Bồ-tát thực hành trong a-tăng-kỳ-kiếp thứ 3 gọi là Thí ba-la-mật.
          Theo phẩm Tựa trong kinh Bồ-tát Thiện Giới 1, bồ-tát tại gia thì thực hành tài thí và pháp thí; Bồ-tát xuất gia thì thực hành 4 pháp thí: Bút thí, Mặc thí, Kinh thí, Thuyết pháp thí; còn Bồ-tát đắc vô sinh nhẫn thì thực hành 3 pháp thí: Cụ túc thí, Đại thí, Vô thượng thí.
          Luận Câu Xá 18 nêu ra 8 thứ bố thí: Tùy chí thí, Bố úy thí, Báo ân thí, Cầu báo thí, Tập tiên thí, Hi thiên thí, Yếu danh thí, Vị trang nghiêm tâm thí. Cũng luận này nêu ra 7 thứ bố thí: Thí khách nhân, Thí hành nhân, Thí bệnh nhân, Thí thị bệnh giả (thí cho người nuôi bệnh), Thí viên lâm, Thí thường thực, Thí tùy thời. Theo phẩm Thập Vô Tận Tạng trong kinh Hoa Nghiêm 12 (bản cựu dịch) thì có 10 pháp bố thí: Tu tập thí, Tối hậu nan thí, Nội thí, Ngoại thí, Nội ngoại thí, Nhất thiết thí, Quá khứ thí, Vị lai thí, Hiện tại thí, Cứu cánh thí.

Bích quán



      I. Bích quán.
      Pháp thiền Tĩnh Quán quay mặt vào vách (Diện Bích Tĩnh Quán).
      Tại Trung quốc vào thời Lương, tổ Bồ-đề-đạt-ma ở chùa Thiếu Lâm núi Tung Sơn, ngồi quay mặt vào vách 9 năm. Người đời không lường được ý Ngài nên gọi Ngài là Bích Quán Bà-la-môn.
     Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 3, tổ Bồ-đề-đạt-ma ban đầu đến kinh đô Kiến Nghiệp, cùng đàm đạo với Lương Vũ Đế, Tổ thấy căn cơ của vua không hợp, liền đến ngụ ở chùa Thiếu Lâm núi Tung Sơn, ngồi im lặng quay mặt vào vách trọn ngày.

      II. Bích quán.
      Nhất tâm thiền quán, thân tâm vắng lặng, kiên cố như tường vách, tức là chỉ cho pháp thiền do Sơ Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền.
     Tổ Đạt-ma chủ trương mọi người đều có đầy đủ Phật tính, nhưng vì nhận thức sai lầm nên lấy giả làm chân, người nào muốn đạt đến chân lí Phật giáo, thì phải tu thiền.
      Thiếu Thất Lục Môn (Ðại 48, 399 hạ) phương pháp tu thiền: “Không mình không người, phàm thánh bình đẳng, an trụ bền chắc không đổi dời, lại không chạy theo văn tự của giáo điển; tu như thế mới phù hợp với Phật tính của chính mình".
      Theo Thiền Nguyên Chu Thuyên Tập Đô Tự 2, tổ Ðạt-ma dạy pháp an tâm cho  người bằng pháp môn Bích quán, có nghĩa là bên ngoài dứt các duyên, bên trong tâm không nghĩ tưởng; đến lúc tâm như tường vách mới có thể vào đạo.

Bỉ ngạn



          Phạn, Pali: Para.
          Bờ bên kia.
          Bờ bên này (cõi mê) gọi là Thử ngạn; bờ bên kia (cõi ngộ) gọi là Bỉ ngạn.
          Lấy nghiệp và phiền não làm giữa dòng, cảnh giới sinh tử là bờ bên này, Niết-bàn là bờ bên kia.